21/03/2016 14:47 GMT+7

Đại biểu Quốc hội là bí thư, chủ tịch ít dám phát biểu, vì sao?

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TTO - Đại biểu vào Quốc hội cả nhiệm kỳ ngồi im re không phát biểu thì lãng phí tiền thuế của dân. Đại diện cho dân mà sợ không dám nói sự thật thì đừng ra ứng cử, nên nhường ghế cho người khác.

Ông Huỳnh Nghĩa. Ảnh: Hữu Khá
Ông Huỳnh Nghĩa. Ảnh: Hữu Khá

Ông Huỳnh Nghĩa, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nói như vậy khi kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 khai mạc ngày 21-3 và giữa lúc cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp.

Ông Nghĩa nói cơ quan dân cử của chúng ta lâu nay mang tính chất đại diện nhiều quá nên xem nhẹ chất lượng đại biểu mà nặng về cơ cấu.

"Qua 13 nhiệm kỳ Quốc hội cũng như HĐND các cấp, phải nói rằng chúng ta nặng cơ cấu quá nên chất lượng đại biểu quá thấp. Chúng ta nên mở rộng dân chủ, xóa bớt rào cản để ngày càng kéo được nhiều hơn các đại biểu “đủ tầm” vào Quốc hội" - ông Nghĩa nói.

Không phản biện mà cứ hùa theo

* Ông nói việc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp đang diễn ra, chúng ta nặng về cơ cấu theo kiểu giao chỉ tiêu. Việc đó ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đại biểu, thưa ông?

- Lâu nay, chúng ta hô hào cơ quan Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng thực tế đại biểu vào đó không đảm bảo được quyền lực cao nhất. Nhiều đại biểu không đủ trình độ, năng lực để thực hiện nhiệm vụ mà cử tri giao phó.

Anh đại diện cho dân thì anh phải có trí tuệ, bản lĩnh và nhất là chính kiến. Đặc biệt, nếu anh đứng ở vai đại biểu Quốc hội thì anh phải có trình độ ở một tầm nhất định và bản lĩnh để phản biện lại các chính sách, vấn đề đại sự của quốc gia mà Chính phủ và các bộ ngành trình lên.

Nói thật, bao giờ các báo cáo của Chính phủ và các bộ ngành cũng nêu rất nhiều thành tích, ít khi đề cập đến khiếm khuyết nên đại biểu không đủ trình độ, lơ mơ, không có tư duy phản biện thì đọc xong rồi cho qua luôn.

Ở mỗi kỳ họp, tài liệu một đại biểu nhận được là rất nhiều, nhìn vô là anh đã choáng rồi. Thực tế anh đi họp thời gian một tháng là không nhiều nên nếu anh không có cái đầu nghiên cứu, chịu khó phản biện thì các vấn đề đưa ra ở Quốc hội anh sẽ “gật” ngay, đồng ý thông qua ngay.

Anh ngồi đó, thấy người ta bấm nút đồng ý thì anh cũng hùa bấm theo, không dám phản biện gì. Chúng ta cần bỏ kiểu bầu bán theo việc phân bổ chỉ tiêu, cơ cấu vì nó quá lạc hậu so với thế giới.

* Thưa ông, vì sao có nhiều đại biểu rất có trình độ, am hiểu rất rõ vấn đề nhưng không dám phát biểu tại Quốc hội?

- Cái này cũng tại cơ cấu mà ra. Lâu nay chúng ta có qui định trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh thành phải là cán bộ chủ chốt ở tỉnh thành. Vì vậy thường thì ông bí thư hoặc chủ tịch UBND ở các tỉnh thành phố nắm chức trưởng đoàn.

Tôi xin nói thật là các vấn đề mà Chính phủ, bộ ngành báo cáo, trình ra Quốc hội thì các anh bí thư hoặc chủ tịch ở các địa phương biết rất rõ, nắm rất chắc nhưng anh không dám nói. Vì sao? Là vì anh sợ, anh không dám phát biểu phản biện vì anh muốn mối quan hệ của anh (của địa phương) với Chính phủ, bộ ngành tốt.

Tôi tham gia nhiều khóa Quốc hội nên quan sát đây trở thành một hiện tượng mà chúng ta nên nhanh chóng thay đổi. Lãnh đạo tỉnh thành làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ít khi phát biểu lắm, rất hạn hữu, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh trưởng đoàn không dám phát biểu thì các đoàn viên họ cũng ngại không dám qua mặt anh.

Có anh có trình độ nhưng không dám phát biểu vì sợ liên lụy, bảo cái này Đảng đã ra nghị quyết rồi cứ thế mà chấp hành nên ngồi làm thinh.

Theo tôi quan điểm như vậy là sai, có cái Đảng ra nghị quyết thì phải chấp hành nhưng có cái mình cần phải bàn thêm ở Quốc hội để thống nhất quan điểm.

Ở đây không phải chuyện phát biểu, phản biện lại là mình không theo đường lối của Đảng nhưng đường lối của Đảng cũng làm cho đúng pháp luật. Cái gì không đúng pháp luật thì mình không làm, Đảng cũng làm theo pháp luật chứ.

* Như ông nói cần tăng thêm đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm bớt đại biểu kiêm nhiệm. Tuy nhiên, qua quan sát thì ở các kỳ họp Quốc hội, số đại biểu chuyên trách phát biểu cũng rất ít, vì sao?

- Việc tặng thêm số đại biểu Quốc hội chuyên trách là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải lựa chọn các đại biểu chuyên trách xứng đáng, chứ không thể lấy mấy cái ông làm không được việc hoặc bị kỷ luật tại các địa phương rồi kéo lên làm đại biểu chuyên trách.

Theo tôi biết thì Quốc hội khóa 14 sắp tới sẽ có 500 đại biểu, trong đó có 114 đại biểu chuyên trách. Thực tiễn Quốc hội khóa 13 cho thấy việc chọn lựa một số đại biểu Quốc hội chuyên trách chả ra sao cả.

Anh ở địa phương làm không được việc mà rút lên làm đại biểu chuyên trách thì thử hỏi làm sao có chất lượng được. Đại biểu chuyên trách mà chất lượng yếu hơn cả đại biểu ở địa phương thế thì anh chọn đại biểu chuyên trách để làm gì? Chọn đưa lên nhưng lãng phí rất lớn cho đất nước và không làm được gì hết.

Vì vậy, chúng ta phải lựa chọn đại biểu chuyên trách là những người có năng lực, trí tuệ còn đưa mấy vị bị kỷ luật, không có năng lực vào thì nguy hại lắm. Tôi thấy có mấy anh đại biểu chuyên trách xuống làm việc với địa phương. Có anh xuống địa phương giám sát mà không nắm được vấn đề nên không kết luận được gì cả. Anh không biết gì thì đi giám sát làm cái gì.

Tôi cho rằng nhiệm kỳ này Ủy ban Thường vụ Quốc cần sáng suốt lựa chọn đại biểu chuyên trách là những người phải tâm phục khẩu phục. 

Có ghế rồi bỏ trống?

* Một số phiên họp tại các kỳ họp Quốc hội khóa 13, tình trạng đại biểu Quốc hội bỏ trống ghế khiến người dân ca thán, theo ông có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

 - Việc này xảy ra là tại chúng ta nặng về cơ cấu. Có địa phương cả ông bí thư và chủ tịch đều vào Quốc hội. Sau đó, các vị này lấy lý do địa phương công việc nhiều nên phải chạy về giải quyết, bỏ trống ghế. Ở trung ương cũng vậy, mấy ông ở các bộ ngành được cơ cấu vào thường bỏ trống ghế vì phải bận giải quyết công việc, đi đây đi đó.

Tôi thấy hiện nay chưa có qui chế gì rõ ràng nếu đại biểu Quốc hội vắng, nói thì nhiều mà chưa làm. Theo tôi thì phải có qui định đàng hoàng, là đại biểu Quốc hội anh được vắng bao nhiêu buổi. Học sinh đi học mà nghỉ nhiều quá thì chúng ta có qui định để chế tài xử lý, còn mấy ông đại biểu Quốc hội đi họp vắng mặt nhưng chẳng bị xử lý gì.

* Theo ông để kêu gọi được đại biểu có chất lượng vào Quốc hội thì chúng ta phải đổi mới gì trong việc lựa chọn đại biểu?

- Người ta có đức có tài thì phải tạo điều kiện cho người ta gánh vác việc nước. Mình phải khuyến khích như thế nào đó để kêu gọi các anh đủ điều kiện anh tự ứng cử. Có chuyên gia muốn ra ứng cử nhưng họ ngại bởi mình nhiều rào cản quá nên người ta sợ. Khi chúng ta thấy họ đủ điều kiện, phẩm chất thì tạo điều kiện, chứ đặt ra nhiều rào cản quá thì khó

Ngoài ra, theo tôi tại diễn đàn Quốc hội nên tạo điều kiện, khuyến khích người ta phát biểu, nói lên quan điểm, phản biện để các chủ trương, chính sách được bàn bạc thảo luận kỹ hơn. Tôi nhận thấy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thường là người lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương.

Đảng lãnh đạo là đúng rồi, lãnh đạo về đường lối chủ trương nhưng để cho người ta tư duy phát biểu mà không trái với đường lối chủ trương là được. Lây nay nhiều lúc có vấn đề gì tương đối nhạy cảm, gai góc được đưa ra thì mình thường quán triệt làm người ta nhụt chí. Phản biện tốt thì để người ta phản biện.

Kêu gọi phản biện mà không được nói thì phản biện làm gì, cái mà bộ ngành, chính phủ đưa ra không đúng thì người ta có quyền nói. 

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp