20/11/2024 16:13 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn tới Cà Mau

Một số đại biểu Quốc hội kiến nghị cần xem xét mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao, đảm bảo phát triển đồng bộ và huy động nguồn lực trong nhân dân, khối tư nhân cho dự án này.

Đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn tới Cà Mau - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Với quan điểm cần thúc đẩy các vùng kinh tế, kết nối hành lang Bắc - Nam để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) kiến nghị cần mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ điểm đầu Lạng Sơn tới điểm cuối Cà Mau.

Lý giải cho đề xuất này, ông Hận cho hay vùng núi phía Bắc dù có nhiều tiềm năng, nhưng với vị trí xa xôi, hẻo lánh, việc đi lại khó khăn, nên dù có trải thảm đỏ, các nhà đầu tư vẫn không mặn mà.

Đề xuất mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao

Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, hằng ngày hằng giờ phải chứng kiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển… lấy đi nhà cửa, hạ tầng, đất đai, điểm nghẽn lớn nhất của vùng là hạ tầng giao thông thấp kém, khó thu hút nhà đầu tư.

Với kiến nghị trên, đại biểu Hận cho rằng trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần phân kỳ đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2025 - 2035 là đoạn Hà Nội - TP.HCM, giai đoạn 2030 - 2040 là các đoạn còn lại.

Việc kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao, theo đại biểu Hận vừa giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, vừa phù hợp thúc đẩy xuất khẩu. Đó là tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa khi cảng nước sâu qua Cà Mau và cảng Trần Đề - Sóc Trăng hoàn thành, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.

“Tôi mong Quốc hội quan tâm đến vùng biên cương của Tổ quốc để đây không phải là điểm đầu, điểm cuối của đất nước, mà là điểm đến của nhà đầu tư” - ông Hận nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cũng mong muốn xem xét kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao ở hai địa đầu đất nước, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, đặc biệt về du lịch.

Trường hợp chưa thể thu xếp nguồn lực, có thể kết nối tuyến đường sắt tới Cần Thơ. Bởi Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vị trí, tiềm năng to lớn và lợi thế, hội tụ để trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước, nhưng chưa được phát huy tương xứng.

Nhìn nhận ở góc độ quy hoạch, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng dự án cần có sự thống nhất để các quy hoạch phải đảm bảo kết nối đồng bộ việc gom và giải tỏa hàng hóa thuận lợi, nhằm phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại và chi phí logistics.

Đồng tình, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng cho rằng cần lưu ý tới quy hoạch tổng thể nói chung, đặc biệt là quy hoạch về giao thông, cân đối phù hợp, hài hòa với các loại hình giao thông khác như đường sắt, hàng không, đường thủy và đường bộ...

"Có khu vực dải miền Trung tỉnh nào cũng có cảng hàng không, xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam cần tính toán đến các cảng hàng không, đường hàng không, đường bộ và đường thủy để không bị lãng phí" - ông Hạ nói.

Đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn tới Cà Mau - Ảnh 3.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Ảnh: Quốc hội

Huy động nguồn lực trong dân

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) băn khoăn về vốn đầu tư khi đây là dự án có quy mô vốn lớn với hơn 67 tỉ USD, gần bằng tổng thu ngân sách một năm. Từ thực trạng các dự án đầu tư công hiện nay, ông Mai đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng cung cấp vốn.

"Hiện nay nhu cầu chi tiêu hằng năm rất lớn, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình đường sắt, cảng biển, cảng hàng không quốc tế… Riêng 4 chương trình đường sắt kết nối Trung Quốc là 27 tỉ USD" - ông Mai nêu vấn đề.

Theo đó, đại biểu Mai đề nghị trong triển khai dự án cần huy động các nguồn lực tư nhân, huy động sức dân. Ông dẫn chứng khi thảo luận về thị trường vàng, nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực trong nhân dân còn rất lớn. Vì vậy nếu có cơ chế tốt để huy động nguồn lực này, hoặc phát hành trái phiếu, thì "vay trong dân sẽ tốt hơn vay nước ngoài", vừa giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng cho rằng nếu ưu tiên cho kinh tế tư nhân tham gia dự án, sẽ tạo thêm nguồn lực lớn hơn để triển khai dự án. Đặc biệt khi dự án có quy mô vốn lớn, các doanh nghiệp tư nhân có năng lực huy động vốn giỏi hơn thông qua huy động trái phiếu, với lãi suất hấp dẫn trên cơ sở Chính phủ bảo lãnh, để hạn chế sự tham gia của nguồn vốn nước ngoài.

"Nếu có doanh nghiệp lớn tham gia, ta thuê hẳn nhà thiết kế nước ngoài, thuê độc lập và không liên quan tới nhà thầu. Chính phủ đặt bài toán với doanh nghiệp tư nhân như bảo lãnh, trả tiền đúng kỳ và đúng hạn, thì doanh nghiệp tư nhân sẽ hoàn toàn làm được. Chính phủ chỉ lo kiểm tra đúng tiến độ" - đại biểu Thân kỳ vọng.

Đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn tới Cà Mau - Ảnh 4.Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67,34 tỉ USD không đắt so với suất đầu tư của các nước

Bộ Giao thông vận tải nêu rõ việc lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, suất đầu tư không đắt nếu so với các nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp