
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Ảnh: Media Quốc hội
Ngày 26-3, thảo luận về dự Luật Tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) nêu ý kiến về việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm với mục tiêu hạn chế, nhưng có nhiều sản phẩm dù có hạn chế thì người dân vẫn sử dụng.
Ông Cảnh dẫn ví dụ với mặt hàng vàng mã dù có áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào đi nữa thì người dân vẫn sử dụng.
"Bởi vì mức thuế này không có bao nhiêu so với nhu cầu của người ta, nhưng nếu chúng ta tuyên truyền tốt thì người ta sẽ hạn chế.
Tôi ví dụ bây giờ vàng mã đốt rất nhiều, nhưng nếu khuyến nghị người dân là đốt một cọc giấy tiền thì rất ô nhiễm, chúng ta làm Visa, Mastercard gì đó, chỉ một tờ đó tương đương với trị giá vài tỉ đồng.
Chúng ta đốt một tờ đó là đủ tiền cho người ở dưới dùng, như vậy tâm lý rất tốt", ông Cảnh đề xuất.
Ông dẫn chứng thêm về tín ngưỡng là khi đưa ông bà ra nghĩa trang thì dọc đường phải đốt, trải tiền để ông bà biết đường về.
"Nhưng nếu chúng ta nói tới ngã tư mới nhầm đường thì đốt một tờ ngay ngã tư, ông bà vẫn biết đường về. Như vậy dọc đường đốt cỡ 5-6 tờ là xong, chứ không phải rải ra như bây giờ.
Như vậy nếu tuyên truyền tốt thì sẽ hài hòa giữa mục tiêu tín ngưỡng và mục tiêu môi trường. Còn nếu chỉ đánh thuế vàng mã cao đi nữa thì người ta vẫn đốt bình thường, bởi vì tâm linh của người ta nghĩ thuế không quan trọng", ông Cảnh nêu quan điểm.
Nêu ý kiến sau phần phát biểu của đại biểu Cảnh, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay khi chuyển đổi số thì cũng nên tiến tới "vàng mã chuyển đổi số".
"Chúng tôi thấy ở Nhật Bản, một số nước đã áp dụng những hình thức rất gọn, khi vào các cơ sở tín ngưỡng thờ tự không đốt vàng mã, đốt hương nhiều và hiện nay chuyển sang hương điện cũng nhiều rồi", ông Hải dẫn chứng.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng theo cách hiểu dân gian, vàng mã hay còn gọi tiền, đồ âm phủ là loại vật phẩm thường được đốt cho cõi âm trong ngày lễ, dịp cúng, đám giỗ.
Vàng mã được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền, quần áo, xe hơi, nhà cửa...
Bà nhấn mạnh dù hiện nay chúng ta không khuyến khích việc đốt vàng mã, song trên thực tế vẫn diễn ra.
Tuy nhiên đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập, theo đại biểu Mai, là công cụ hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên vui chơi giải trí và học tập không dùng để đốt, nên không thể đánh đồng với khái niệm vàng mã, hàng mã.
Bà đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ quy định này, không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng mã được dùng làm đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập cho học sinh, sinh viên.
Tại dự Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhất đã đề xuất vàng mã, hàng mã, không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học là đối tượng chịu thuế.
Mức thuế suất đề xuất với vàng mã, hàng mã là 70%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận