Đại biểu Trần Văn Khải bày tỏ lo ngại khi chưa có cơ chế việc đấu nối truyền tải điện khiến doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt thòi - Ảnh: Quochoi.vn
Thông tin được nêu ra tại buổi thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, trong đó có Luật điện lực ngày 6-1.
Theo đó, Chính phủ đề xuất chỉ quy định Nhà nước độc quyền trong "vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng" và "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ".
Trực tiếp thẩm tra dự án luật, ông Trần Văn Khải - đại biểu đoàn Hà Nam, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường - đồng tình cần thiết phải sửa đổi một số quy định liên quan đến truyền tải điện để mở ra cơ chế cho tư nhân tham gia.
Thực tế, với sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, giúp bổ sung thêm khoảng 27.000MW nhưng đáng tiếc quy hoạch không đồng bộ, phù hợp với tiến độ xây dựng lưới truyền tải điện. Từ đó dẫn tới nhiều dự án xây dựng xong không đấu nối được, gây khó khăn cho doanh nghiệp, bức xúc xã hội.
Trong khi đó, việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực được xem là "độc quyền" tự nhiên rất khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể.
Thực tế, đã có một số nhà đầu tư tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải là một hạng mục trong tổng dự án nhưng không có quy định cụ thể về quyền đấu nối khiến các nhà đầu tư nhỏ phải tự thỏa thuận, tự bỏ chi phí rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỉ mới được cấp quyền.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, ông Khải xác nhận có thực tế trên nhưng "không tiện nêu tên nhà đầu tư", khi trực tiếp đi thẩm tra, giám sát. Ông đề nghị quy định pháp luật cần đưa ra cơ chế để nhà đầu tư có quyền tiếp cận đấu nối, đảm bảo tính bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các nhà đầu tư.
Đồng thời, cần cho phép nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực truyền tải điện, trong đó lưu ý đảm bảo quản lý vận hành, để không ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng. "Với những đường dây truyền tải nội bộ của dự án, cần khuyến khích để nhà đầu tư tự quản lý, vận hành. Còn nếu là đường truyền tải điện liên vùng, liên tỉnh thì cần kiểm soát và tốt nhất là Nhà nước nên độc quyền" - ông Khải nói.
Quan tâm đến vấn đề quốc phòng an ninh, đại biểu Đồng Nai Trịnh Xuân An - ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh - lưu ý cần làm rõ việc đấu nối với hệ thống tư nhân, truyền tải điện như thế nào, bởi dự thảo đưa ra quy định rất chung chung, không cụ thể.
"Cần bổ sung điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo quốc phòng an ninh. Vì để vận hành hệ thống điện chỉ cần một lệnh thôi còn hơn cả trận bom. Về phương diện kinh tế, chúng tôi ủng hộ đầu tư vào truyền tải nhưng ở góc độ kỹ thuật cần kỹ lưỡng, rà soát đảm bảo an ninh quốc phòng" - ông An lưu ý.
Giải trình các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay phạm vi chỉ đầu tư vào hệ thống đường dây và trạm biến áp từ 200kV trở xuống. Đối với các trạm biến áp 220kV ở những vùng trọng điểm, trọng yếu về kinh tế, về quốc phòng cho đến các hệ thống truyền tải của cao áp 500kV và siêu cao áp 500kV, Nhà nước đầu tư.
Bộ trưởng cũng lưu ý dù là Nhà nước hay tư nhân đầu tư đều phải tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng, điều độ và vận hành hệ thống điện theo tiêu chuẩn an toàn do Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quy định. Về quyền đấu nối cũng phải đạt các tiêu chuẩn quy định về kỹ thuật, an toàn hệ thống.
Theo người đứng đầu Bộ Công thương, với các doanh nghiệp đầu tư về nguồn thì được quyền đấu nối vào hệ thống, nhưng về nghĩa vụ họ phải trả phí cho quá trình truyền tải điện. Với những băn khoăn liên quan đến thực hiện nghị quyết 55, ông Diên cho biết đã từng bước xóa độc quyền của EVN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận