Câu thơ "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du phản ánh nỗi lo lắng và trăn trở của Thúy Kiều về số phận của mình sau một giấc mộng đáng sợ, cuộc đời dài phía trước đầy bất trắc, đối mặt vô vàn khó khăn, thử thách.
Sáng 4-11, phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) dẫn lại câu thơ để nói về tâm tư của nhà đầu tư khi đi làm thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư hiện nay.
Quy định 3 tháng, thực tế 6 năm nhà đầu tư chưa xong thủ tục
Ông Nam cho biết việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính có một số thành tựu nhưng việc giải quyết thủ tục hành chính của một số cơ quan còn kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra giám sát, nhất là trong quy trình phối hợp trao đổi lấy ý kiến giữa các cơ quan bộ ngành.
Đối chiếu giữa quy định thời hạn giải quyết trong luật và thực tế còn khoảng cách rất xa. Đại biểu đoàn Phú Thọ dẫn chứng ngay việc triển khai hai dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông (Phú Thọ).
Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất các nhà đầu tư đã quan tâm khởi động dự án từ tháng 9-2018, nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 3-2021 và hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8-2022.
Quá trình xử lý hồ sơ dự án từ khi khởi động, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo, giải trình gửi các bộ ngành xin ý kiến về thủ tục đất đai, đấu nối giao thông, sắp xếp lại tài sản công và nhiều thủ tục liên quan đến dự án.
Tuy nhiên ông Nam nhìn nhận: "Việc trả lời của các bộ ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự quan tâm đến người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ".
Theo ông Nam, trong khi theo Luật Đầu tư tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan bộ ngành liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày.
Nhưng đến nay hồ sơ dự án trên chưa được giải quyết dứt điểm. Nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư nên tâm tư "đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh".
Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính, tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ trung ương đến địa phương.
Từ đó để các cơ quan thực hiện đúng và đủ quy định, đúng nguyên tắc giải quyết thủ tục hành chính, đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách niệm.
"Cùng với đó cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp", ông Nam nhấn mạnh.
Hoàn thiện một thể chế có những đòn bẩy về kinh tế
Ở góc độ đổi mới lập pháp, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng việc đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung là đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bà kiến nghị cần sớm thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo cơ sở tổ chức thực hiện.
Về nhận diện điểm nghẽn, bà Mai kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ các điểm nghẽn để giải quyết, xử lý kịp thời, triệt để.
Mặt khác bà bày tỏ hoàn toàn tán thành quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm khi yêu cầu cán bộ, lãnh đạo phải "đúng vai, thuộc bài". Đúng vai là không lấn sân nhưng không bỏ vai, làm đúng trách nhiệm, bổn phận Đảng, Nhà nước đã trao và nhân dân gửi gắm.
Vì vậy cần rà soát các quy định về tổ chức bộ máy nhằm định vị cụ thể phạm vi, ranh giới, trách nhiệm, quyền hạn để có cơ sở thực hiện đúng yêu cầu, đúng vai. Khi đúng vai phải thuộc bài, đúng vai mà không thuộc bài nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng".
"Đổi mới là yêu cầu tất yếu, cuộc sống là dòng chảy bất tận, không bao giờ dừng lại, cho dù đổi mới ở khía cạnh nào, màu sắc nào; cho dù Quốc hội hay Chính phủ thì chúng ta có quyền tin rằng dưới dự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu.
Từ đó tiếp tục hoàn thiện được một thể chế mà ở nơi đó sẽ có những đòn bẩy về kinh tế, tạo cảm hứng cho phát triển, và cũng là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân", bà Mai nhấn mạnh.
Gắn trách nhiệm cá nhân với việc nợ văn bản hướng dẫn
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho hay theo quy định hiện hành, văn bản hướng dẫn phải được ban hành đồng thời, có hiệu lực đồng thời với văn bản luật.
Tuy nhiên báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đã nhận định việc ban hành văn chi tiết còn hạn chế, tình hình chậm ban hành văn bản hướng dẫn chưa được khắc phục. Năm 2023 số văn bản nợ chiếm 13,94%, có 51 văn bản không có hiệu lực đồng thời với luật và 18 văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.
Theo bà Mai: "Tới đây chúng ta thay đổi khi luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn tăng lên rất nhanh, tính chất cũng phức tạp hơn vì không đơn thuần chỉ hướng dẫn như trước đây".
Từ đó bà kiến nghị: "Đề cao trách nhiệm cá nhân trong kịp thời tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn. Mặt khác khi chính các cơ quan quản lý ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thì rất cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ. Đồng thời thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Chính trị trong kiểm soát quyền lực khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận