24/10/2022 10:02 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Bệnh viện công lớn xin thôi tự chủ, bác sĩ nghỉ việc là 'thất bại của chính sách'

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nhiều y bác sĩ xin nghỉ việc tại các bệnh viện công, hay việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng xin thôi tự chủ là 'một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập'.

Đại biểu Quốc hội: Bệnh viện công lớn xin thôi tự chủ, bác sĩ nghỉ việc là thất bại của chính sách - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ảnh: PHẠM THẮNG

Sáng 24-10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn việc thời gian gần đây nhiều người thấy băn khoăn khi hàng chục ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc rời khỏi các bệnh viện công, kể cả những bệnh viện lớn.

Cạnh đó, nhiều người thấy ngỡ ngàng khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K - là những bệnh viện lớn, có đầy đủ các điều kiện và thế mạnh để thực hiện tự chủ - lại xin thôi thực hiện tự chủ để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách, trong khi rất nhiều cơ sở y tế lâu nay mong chờ được tự chủ và thực tế cơ chế tự chủ đang được thực hiện khá thành công ở các trường đại học.

Theo ông Cường, rất nhiều người có chung nhận định rằng "việc nhân viên y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công, hay việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập".

Ông chỉ rõ tất cả những vấn đề bất cập nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là "cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình".

Ông Cường cho hay khi nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo luật cho thấy các cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn tay nghề cao, danh tiếng "vẫn đang là một khoảng trống".

Do vậy ông đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đưa vào luật quy định về tự chủ của bệnh viện công. 

Ông Cường nói tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu, song trong toàn bộ dự thảo luật chưa có nội dung nào đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Do đó cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn thu từ ngân sách... 

Cạnh đó cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ. Việc này dựa trên nguyên tắc giá dịch vụ khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí, trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật khám chữa bệnh.

Đồng thời quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu; tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Ngoài ra cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư mua sắm, đi thuê, liên doanh liên kết các máy móc, trang bị và sử dụng có hiệu quả nhất cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu khám chữa bệnh.

Cạnh đó cần quy định cơ chế quản lý, giám sát hoạt động đối với bệnh viện tự chủ, như tổ chức và vai trò, chức năng của hội đồng quản lý bệnh viện, giám đốc bệnh viện; cơ chế quản lý người lao động như tuyển dụng, sa thải, bổ nhiệm và đánh giá người lao động; cơ chế báo cáo, cơ chế quản lý, cơ chế giám sát của các cơ quan cấp trên đối với các bệnh viện tự chủ...

Để đảm bảo tính logic, chặt chẽ, ông Cường đề nghị nên kết cấu các nội dung quy định về tài chính và tài sản thành một chương là tài chính - tài sản của các cơ sở khám chữa bệnh.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) dẫn ví dụ phân cấp chuyên môn trước đây chia theo tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã nhưng lần này theo chuyên môn kỹ thuật với ba cấp là ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.

Ủng hộ quy định mới này phù hợp chủ trương của Đảng, thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, song ông băn khoăn mối quan hệ của các cấp bệnh viện như thế nào, giữa công - tư cũng như chính sách với từng cấp ra sao.

“Trong một cơ sở khám chữa bệnh liệu có cả ba cấp này không, hay từng cấp riêng biệt” - ông Hạ nêu câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19

TTO - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: "Chúng ta cần phải kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác. Trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch".

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp