Đó là cảm nhận về thực trạng quản lý lỏng lẻo việc mua bán hóa chất hiện nay được các đại biểu nêu khi thảo luận tổ về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), chiều 8-11.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu tầm quan trọng của việc kiểm soát trong hoạt động kinh doanh hóa chất đặc biệt.
Theo ông Hải, thời gian qua việc quản lý bộc lộ sự lỏng lẻo, yếu kém trong kiểm soát kinh doanh hóa chất đặc biệt.
Đại biểu dẫn chứng một số vụ việc đau lòng dùng chất xyanua để sát hại người thân. Có gia đình 3-4 người bị đầu độc bằng hóa chất độc hại này. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên chính là việc quản lý chưa chặt chẽ.
"Không ở đâu mua xyanua dễ dàng như ở Việt Nam", đại biểu nêu và cho rằng kinh doanh hóa chất đặc biệt, hóa chất độc hại cần được quy định chặt chẽ.
Hiện nay, dự luật đã quy định về điều kiện tổ chức kinh doanh hóa chất đặc biệt, nhưng không quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân được mua như thế nào. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải quy định điều kiện người mua hóa chất cụ thể ra sao. Bởi nếu họ mua để sử dụng không đúng mục đích thì rất nguy hiểm.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng (Hà Nam) kiến nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần gia cố các điều kiện về quy định của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất.
"Chúng ta không chỉ vận chuyển hóa chất đường bộ mà còn vận chuyển ở đường sắt, đường thủy. Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức lưu ý liên quan đến việc vận chuyển, điều kiện cấp giấy phép, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân vận chuyển", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần làm rõ tính đồng bộ, thống nhất của dự luật này với Luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Về hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định sâu hơn về lĩnh vực thí nghiệm, sử dụng hóa chất. Vì hiện nay, dự luật quy định chưa chặt chẽ về vấn đề trên nên cần thiết quy định thêm về hoạt động mua và bán như việc kiểm soát xyanua như các đại biểu đã nêu.
Cùng nêu nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) bày tỏ: "Không chỉ đại biểu, người dân rất quan tâm đến việc quản lý mua bán hóa chất như thế nào. Đọc báo nghe những vụ việc, vụ án về xyanua giật mình thom thóp. Như vụ 2,5 tấn xyanua tuồn ra thị trường mua bán trái phép, thông đồng bị bắt rồi nhưng vấn đề lượng chất độc xyanua đó ra thị trường như thế nào?.
Bà Lan đặt vấn đề: "Suốt ngày chúng ta đọc tin các vụ tạt axit, vấn đề lấy axit ở đâu mà tạt, làm sao mua được. Chúng ta thử đi nước khác liệu hóa chất có dễ mua như vậy không?".
Theo bà Lan: "Chúng ta không thể để việc mua bán hóa chất bán tự do và bất cứ người nào cũng mua được. Phải quy định loại hình kinh doanh cần có giấy phép, có điều kiện, đối tượng vào mua phải vào những nơi sản xuất, có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ. Chúng ta phải quản lý chặt cái này".
Quản lý hóa chất giữa các bộ ngành phải thống nhất
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: "Cần có quy định thống nhất vai trò quản lý hóa chất giữa các bộ ngành, tránh trường hợp bộ này cấm nhưng bộ kia cứ cho nhập vào ào ào".
Bà Lan dẫn chứng như chất Salbutamol có trong thành phần thuốc chữa giãn phế quản, dù số lượng thuốc dùng cho bệnh này trong một năm không nhiều, nhưng có giai đoạn lượng nhập khẩu tăng hàng chục, hàng trăm lần không bộ ngành nào ý kiến.
Cuối cùng lượng chất dư ra được người dân mua làm chất tạo nạc cho heo. Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện ra mới tập trung giải quyết.
Đại biểu cũng đề nghị: "Trong số những hóa chất sử dụng có điều kiện, cấm sử dụng... cần liệt kê nhóm hóa chất gọi là tiền chất ma túy. Bài học từng xảy ra khi có đối tượng chỉ cần nhập một tiền chất, sau đó về thực hiện phản ứng hóa học tạo ra ma túy tổng hợp có giá trị tiền gấp nhiều lần so với tiền chất".
Bà Lan nói thêm: "Vấn đề quan trọng phải quản lý như thế nào, có khi quy định nhập cần giấy phép nhưng ở dưới nộp lên xin duyệt cho mua thì ở trên nhắm mắt nhắm mũi ký. Mãi đến khi số lượng nhập về quá lớn, công an vào cuộc mới giật mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận