05/06/2024 14:00 GMT+7

Đại biểu hỏi bộ trưởng: Giải pháp nào để Việt Nam vượt Thái Lan về du lịch?

Chiều 5-6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng là 'tư lệnh' ngành thứ 4 'đăng đàn' trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Theo chương trình, từ 14h hôm nay (5-6), Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Ông Hùng là "tư lệnh" ngành thứ 4 và là thành viên Chính phủ thứ 3 tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Cụ thể, ông Hùng sẽ trả lời về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Cùng với đó là việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Ông Hùng cũng sẽ trả lời về chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Quang cảnh phiên chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Quang cảnh phiên chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết việc chất vấn không chỉ thể hiện, đề cao vai trò giám sát của Quốc hội, mà biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội với văn hóa, thể thao và du lịch nước nhà.

Ông nói tuy nhiên mặc dù có nhiều nỗ lực để tiếp cận chuyển đổi tư duy từ chuyện làm văn hóa, thể thao và du lịch sang quản lý nhà nước về lĩnh vực này thì ngành cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và có những mặt hạn chế trong vấn đề này.

Toàn ngành ý thức phải cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phó. Đồng thời phải xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng, nhiệm vụ của ngành, giữa mục tiêu, hướng tới cần tổ chức thực hiện với cân đối nguồn lực hiện nay trong điều kiện còn hạn hẹp. Đặt vấn đề phát huy nguồn lực trong bối cảnh tổ chức bộ máy cần tinh gọn. Vì vậy có những khó khăn cần chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đã có 89 đại biểu đăng ký chất vấn.

Sẽ có nhiều chính sách mới cho vận động viên thi đấu đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống

Nêu thực trạng đa số các vận động viên đều chung nỗi lo là làm gì sau khi giã từ sự nghiệp vì thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn, chỉ số ít làm việc liên quan tới thể thao nên nhiều vận động viên từ bỏ đam mê, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đặt câu hỏi về giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên, đặc biệt là vận động viên gặp chấn thương?

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) - Ảnh: GIA HÂN

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm về thể thao với các nghị quyết, chiến lược, đề án thực hiện. Theo đó, Chính phủ ban hành 8 chính sách để hỗ trợ vận động viên thể thao thành tích cao, đào tạo ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng… từ đó động viên đội ngũ thể thao thành tích cao.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận có thực trạng như đại biểu nêu khi để giải quyết việc làm có tính căn cơ cho vận động viên còn khó khăn. Đó là trình độ đào tạo và nghề nghiệp của vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu, nghề nghiệp đó có thể chưa thích hợp với vận động viên… Vì vậy không phải vận động viên nào cũng vào các cơ quan sự nghiệp để làm việc và thi đấu.

Ông Hùng cho biết đang đề xuất Chính phủ đánh giá tổng thể các chính sách vừa qua, tạo thuận lợi nhất cho vận động viên yên tâm thi đấu, làm việc theo đúng sở trường lâu dài, bao gồm chính sách tiền lương, nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.

Đại biểu Trần Tuấn Quân (Long An) quan tâm tới việc các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian đang có nguy cơ mai một dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm. Việc bảo tồn gặp khó khăn về nguồn lực, thu hút nguồn lực trẻ. Đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp để duy trì và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống?

Theo Bộ trưởng Hùng, việc phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống rất được quan tâm, để giữ gìn và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là trong bối cảnh tinh gọn bộ máy. Sức hút đào tạo ngành nghề truyền thống chưa nhiều, như bộ môn tuồng, chèo, cải lương…

Vì vậy, bộ trưởng cho hay để phát triển lâu dài, sẽ tập trung phát triển đào tạo năng khiếu, phát triển nghệ thuật đỉnh cao, không nên thực hiện tự chủ. Trung ương hỗ trợ phát triển đỉnh cao, còn địa phương tập trung hỗ trợ cho nghệ nhân, gắn với kết nối du lịch, coi đây là tài nguyên văn hóa, tạo hiệu ứng lan tỏa, giải quyết bài toán kinh tế cho văn hóa.

Đại biểu băn khoăn 300 tỉ đồng quỹ phát triển du lịch vẫn nằm trong tài khoản

Để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm bố trí nguồn lực theo nghị quyết 43 với 300 tỉ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, song đến nay số tiền này vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) hỏi nguyên nhân vì sao chưa giải ngân được số tiền này và có giải pháp gì?

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng cho biết 300 tỉ đồng không phải là quỹ hỗ trợ phát triển, mà theo Luật Du lịch, đây là vốn điều lệ được bảo tồn phát triển, gửi ở ngân hàng. Trong đó, phần lãi đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy; phần xúc tiến hoạt động du lịch sẽ do Chính phủ cấp theo tỉ lệ % đóng góp của ngành du lịch thông qua phí, vé đã thu.

"Việc nhận 300 tỉ đồng với số lãi được chi cho công tác hành chính, bộ máy theo đúng quy định cũng như được kiểm soát bởi Kho bạc Nhà nước" - ông Hùng khẳng định.

Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận do đây là vấn đề mới, hoạt động theo mô hình dân lập và đơn vị sự nghiệp công lập, khó trong hoạt động nên có vướng mắc. Vì vậy bộ sẽ quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, báo cáo đánh giá tác động để xem xét sửa đổi của quỹ này, đưa quỹ này vào hoạt động phục vụ tốt hơn về quảng bá du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Sử dụng trẻ em biểu diễn ở các phiên chợ là trái luật

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chất vấn về hiện tượng ở một số tỉnh vùng cao lạm dụng trẻ em để biểu diễn, thương mại tại các phiên chợ. Bộ trưởng có ý kiến gì về hiện tượng thương mại hóa và giải pháp nào để vừa bảo tồn nét đẹp văn hóa nhưng bảo vệ quyền trẻ em?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) -  Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: "Việc đưa trẻ em ra biểu diễn như vậy là trái luật, sử dụng trẻ em không đúng. Các địa điểm đó cũng không phải nơi để tổ chức biểu diễn. Trách nhiệm các địa phương phải chấn chỉnh việc này".

Theo ông Hùng: "Các cơ quan phải tuyên truyền, giáo dục luật bảo vệ trẻ em. Ai sử dụng không đúng cũng cần nhắc nhở. Nếu trẻ em có năng khiếu, đề nghị địa phương đưa các em vào đơn vị đào tạo, bồi dưỡng để sau này phát huy tài năng của các em. Mặt khác, cần xây dựng chợ văn minh.

Ông cho biết thêm: "Trách nhiệm của bộ khi có những phản ánh về hoạt động không văn minh sẽ cùng các địa phương có biện pháp chấn chỉnh".

Đại biểu Châu Quỳnh Giao (An Giang) đặt vấn đề hiện có một số công trình, sản phẩm du lịch lai căng, sao chép các sản phẩm du lịch của nước khác. Việc này có thể tạo ra lợi nhuận nhưng về lâu dài làm mất đi vẻ đẹp, nét đặc sắc văn hóa dân tộc. Quan điểm của bộ trưởng như thế nào?

Trao đổi lại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang thực hiện nghị quyết của Thủ tướng, trong đó có nội dung tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch phải độc đáo, môi trường du lịch văn minh, giá cả phải cạnh tranh.

Trong các nghị quyết cũng có nội dung chỉ đạo phải liên kết, liên doanh để phát triển các sản phẩm du lịch. Qua đó cũng đạt được nhiều kết quả trong phát triển ngành du lịch.

Theo số liệu thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 50 triệu lượt khách nội địa.

Theo ông Hùng, hiện nay có những sản phẩm du lịch tiềm năng, định hướng phát triển đúng hướng như du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng… Riêng việc đâu đó có những sản phẩm du lịch cá biệt, bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh.

"Dù vậy chúng ta cũng không nên quá khắt khe, nên xem đây cũng là hình thức giao lưu văn hóa. Những gì tiên tiến, văn minh của các nước nếu được du nhập vào nước ta cũng là cách đa dạng các sản phẩm", ông Hùng nói.

Xử lý tiêu cực bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn của vận động viên

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu vấn đề thời gian qua, dư luận xôn xao vụ việc vận động viên tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng.

Bà nói bên cạnh những câu chuyện đẹp đậm nghĩa thầy trò của thể thao Việt Nam thì đây là mặt trái của thể thao thành tích cao. Điều này phản ánh hiện thực là chế độ đãi ngộ chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thực sự hiệu quả.

Đồng thời, dẫn đến hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không thể tạo động lực cho vận động viên, huấn luyện viên.

Bà đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và bảo đảm không tái diễn tình trạng trên.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) - Ảnh: GIA HÂN

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay quả thực đây là điều nhức nhối của ngành. Mặc dù chỉ có 2 sự việc có tính chất cá biệt về tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm thể thao Hà Nội được tổ chức tại khu Mỹ Đình. Cùng với đó là tiền của đội thể dục dụng cụ mà chủ yếu có phần liên quan đến Trung tâm thể thao Hà Nội và một phần đội tuyển trung tâm.

Ông nói khi phát hiện, đã cương quyết xử lý và thực hiện phương châm của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Qua xử lý đã kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác điều tra, xử lý khi có dấu hiệu tội phạm. Đủ điều kiện sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

"Chúng tôi không có chuyện bao che, dung túng cho việc này. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông cũng chia sẻ thật là việc này biết hơi muộn và là việc phải kiểm điểm. Lãnh đạo cấp trên cũng chậm nắm vấn đề vì việc này xảy ra ở đơn vị nhỏ.

Ông Hùng giải thích ban đầu khi hình thành quỹ ở đây với mục đích tốt đẹp, ví dụ như trong đội tuyển góp để thăm hỏi khi ốm đau, ma chay, hiếu hỉ, hỗ trợ, bồi dưỡng thêm sau trận thi đấu…

"Mặc dù theo quy định của pháp luật là trái phép nhưng việc đó trên tinh thần tự nguyện, quản lý chặt chẽ thì không có tiêu cực. Nhưng vừa rồi lạm dụng và dẫn vào một người là huấn luyện viên nên có tiêu cực. Vừa qua, chúng tôi đã cho rà soát lại", ông Hùng nêu.

Về giải pháp, ông Hùng nói trước hết bổ sung hoàn chỉnh quy định của bộ ban hành về quản lý đội tuyển. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Công khai, minh bạch, ngay từ đầu vào thông báo cho các em biết chế độ tiền ăn/ngày, tiền thưởng là bao nhiêu. Cùng với đó, nghiêm cấm lập quỹ mặc dù có mục đích tốt đẹp.

Phát triển kinh tế đêm là vấn đề khó khăn

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho hay du lịch đêm là hướng đi cần phát triển nhưng sản phẩm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút giữ chân du khách, trong khi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đại biểu hỏi bộ trưởng ý kiến về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) - Ảnh: GIA HÂN

Theo bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1129 phê duyệt đề án kinh tế đêm, giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng và thí điểm một số sản phẩm du lịch đêm. Theo đó, bộ đã lựa chọn 12 tỉnh thành thực hiện thí điểm du lịch đêm. Kết quả là những khu vực này thường xuyên có khách quốc tế, phát triển du lịch.

Ví dụ như Hà Nội phát huy các di tích, trở thành nơi du lịch văn hóa như Văn Miếu là nơi tinh hoa đạo học; ở Ninh Bình, từ cố đô Hoa Lư có đêm cố đô; ở TP.HCM có sắc màu đêm Sài Gòn… Các loại hình văn hóa, phố đi bộ, ẩm thực đường phố… giúp thu hút đáp ứng một phần nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, bộ trưởng nhìn nhận đây là sản phẩm kinh tế tổng hợp nên để giải quyết bài toán căn cơ này, đã đề xuất địa phương nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề. Trong đó cần có quy hoạch, có khu kinh tế đêm ở đâu, vì không thể phát triển xen kẽ, thì làm thế nào có đêm yên tĩnh cho người dân ngủ khi bên này hoạt động, bên kia ngủ?

Chưa kể là lực lượng tham gia, bán hàng, an ninh trật tự; chế độ chính sách cho những người làm đêm ở đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu thị trường bởi không cẩn thận sẽ bị bỏ lại.

"Hướng tiếp cận là chúng tôi gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa thiết kế, trải nghiệm cho du khách, phát triển loại hình ẩm thực, xem xét mở thêm cửa hiệu mua sắm… Cần phải có quy hoạch và công tác đào tạo thì sản phẩm du lịch đêm mới phát triển được" - ông Hùng nói và nhìn nhận đây là vấn đề khó khăn.

Có địa phương mở chợ đêm, sau đó rơi vào quên lãng

Giành quyền tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề cạnh tranh du lịch, chèo kéo khách và hạ tầng cơ sở du lịch xuống cấp. Đặc biệt là các hồ đập có cảnh quan đẹp, thu hút du khách tạo sinh kế cho người dân, ông Hòa cho rằng cần thiết xem xét phát triển kênh này.

Với sản phẩm chợ đêm dù phát triển tốt nhưng có nơi có lúc trầm lắng, sản phẩm hạn chế, khô cạn không phát triển nhiều, chủ yếu cạnh tranh với nhau. Do đó, đại biểu cho rằng cần phát huy và làm tốt hơn, tạo tiền đề cho những nơi có điều kiện phát triển.

Cũng đồng tình với câu tranh luận của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Hùng cho hay đây là loại hình linh hoạt và nhiều địa phương đang làm, mở cửa chợ. Đêm là nơi để du khách đến và mua sắm, nên các địa phương phải nghiên cứu làm, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy.

"Khi một hoạt động du lịch đề ra phải được tính toán kỹ vì đây là ngành tổng hợp. Có nhiều địa phương mở chợ đêm nhưng sau một thời gian người ta không đi vì không có sản phẩm gì mới và rơi vào quên lãng. Chúng tôi đồng ý và nghiên cứu thêm, đưa ra khuyến nghị để địa phương lựa chọn" - ông Hùng nói.

Nghiên cứu tổng thể chính sách visa

Nêu chính sách về miễn thị thực để phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị đánh giá hiệu quả chính sách này và thời gian tới, chính sách miễn thị thực có nên tiếp tục mở rộng diện áp dụng không? Nếu tiếp tục thì hướng tới khu vực nào để mang lại hiệu quả cao nhất?

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) - Ảnh: GIA HÂN

Theo bộ trưởng, du lịch visa theo đánh giá xếp hạng báo cáo du lịch thế giới, Việt Nam ở mức trung bình. Do đó, Thủ tướng đã giao cho Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ, thực hiện theo hướng đánh giá tổng thể chính sách visa trên mọi bình diện quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đề xuất giải pháp có tính chất song phương; thực hiện đơn phương trong trường hợp nào, cấp nào…

"Đây sẽ là cơ sở để tiếp tục mở rộng visa cho hoạt động du lịch" - ông Hùng khẳng định.

Tranh luận về câu trả lời việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Quảng Trị) cho biết hiện nay có nhiều loại hình nghệ thuật không chuyên phát triển ở địa bàn dân cư do người dân tự lập nên, tự trang trải kinh phí.

Những hoạt động này cũng góp phần bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng lại chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các sân khấu này do cơ chế chưa cho phép. Đại biểu đặt câu hỏi liệu có cơ chế chính sách gì cho loại hình này?

Băn khoăn tháo gỡ khó khăn cho vận động viên, Khu liên hợp thể thao quốc gia

Trong khi đó, băn khoăn về việc giải quyết việc làm, thu nhập cho vận động viên, vận động viên thành tích cao, câu trả lời của bộ trưởng là sẽ nghiên cứu rà soát, sẽ ban hành. Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng câu trả lời này giống những người có thẩm quyền của các nhiệm kỳ trước đã trả lời.

Đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

"Đề nghị bộ trưởng cho biết rõ hơn sẽ là bao giờ? Kinh nghiệm các nước cho thấy về dài hạn, để giải quyết việc làm cho vận động viên là không phụ thuộc vào ngân sách, khi chúng ta chi mỗi năm 900 tỉ đồng. Trong khi các nước phát triển kinh tế thể thao thì kinh tế thể thao của ta vẫn khuyết và tật. Vậy bộ trưởng thấy rằng cần giải quyết vấn đề này thế nào? Trong chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội vẫn không thấy bóng dáng kinh tế thể thao" - đại biểu đặt câu hỏi.

Về ngắn hạn, đại biểu Hoàng Anh nhắc đến Khu liên hợp thể thao quốc gia có chức năng quan trọng trong đào tạo thi đấu thể thao. Tuy nhiên sau 5 năm công bố quyết định thanh tra, không chỉ không khắc phục khó khăn mà còn khó khăn chồng chất hơn. Cơ quan cảnh sát điều tra chưa công bố kết luận điều tra dấu hiệu tội phạm và khu liên hợp không sử dụng hiệu quả về đất đai, tài sản. Đại biểu hỏi bộ giải quyết vấn đề này thế nào.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) - Ảnh: GIA HÂN

Theo Bộ trưởng Hùng, chúng ta không nên quá khiên cưỡng cho rằng vận động viên cứ phải nhất nhất vào Nhà nước làm, nên cần có cách tiếp cận khác về công việc. Việc triển khai kinh tế thể thao đã có trong luật, nhưng lâu nay chưa làm được nên cần phải sửa đổi chính sách, tạo môi trường thuận lợi và hoàn thiện khung pháp lý. Ví dụ hoạt động đua chó, đua ngựa cũng là loại hình thể thao nhưng nội dung này giao cho các bộ khác và cũng chưa làm được.

"Chúng ta thấy đúng nhưng chưa phải làm được ngay. Giờ hỏi tôi làm thế nào ngay, thì chúng tôi sẽ cố gắng nhất, quyết liệt nhất trong thời gian để trình được" - ông Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời đại biểu Lê Hoàng Anh

Với Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, sau khi thanh tra năm 2018 và năm 2021 có kết luận, bộ trưởng khẳng định đã nhận được kết luận và nỗ lực, tập trung rà soát, xử lý các kiến nghị của thanh tra, tập trung khắc phục. Có những việc đã làm xong và có những lĩnh vực đang làm, bộ đã có báo cáo với Chính phủ, phó thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phó thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo.

Ông cho biết thêm đang rà soát xử lý theo hướng rà soát quy hoạch, xử lý đất đai, xử lý tồn đọng và tiếp cận theo hướng Nhà nước đầu tư nhưng phải khai thác, sử dụng với các đề án cụ thể mà Thủ tướng phê duyệt cho phép để giải quyết căn cơ, phát huy theo hướng đầu tư công, quản trị tư.

Đề nghị lãnh đạo Hà Nội trả lời đường đua F1 'hoành tráng' có trở lại hoạt động không

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nêu về việc có chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao nên đã làm đường đua F1 rất hoành tráng nhưng đang bỏ không. Vậy giải pháp thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói về đường đua F1 do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, triển khai. Do nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau nên không triển khai nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu - Ảnh: GIA HÂN

Với trách nhiệm là cơ quan phối hợp, ông Hùng nói thời điểm đó, bộ đã phối hợp bàn giao đất đai, mặt bằng để thực hiện và làm đúng quy định của pháp luật trong phối hợp. Về việc đường đua có trở lại hoạt động không, ông đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội trả lời giúp.

Chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu tranh luận cho rằng nếu giao quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho bộ, rồi bộ lại gửi tiền này vào ngân hàng thì không cần ban quản lý quỹ.

Việc quản lý tiền của quỹ này nên giao cho bộ với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước. Việc quản lý quỹ này có thể giao cho văn phòng bộ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cũng đề nghị bộ trưởng đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch? Nhiệm vụ của quỹ có trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước hay không?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2018, còn quỹ phát triển du lịch được hình thành từ năm 2021. Quỹ này phải có bộ máy và điều lệ hoạt động do Thủ tướng phê duyệt. Hoạt động theo mô hình vừa doanh nghiệp vừa là đơn vị sự nghiệp công lập.

Thời gian qua, bộ trưởng nhận thấy nhiều bất cập. Số tiền 300 tỉ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch, mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước. Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy, tổ chức hoạt động. Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hằng năm, mức này khoảng 5-10%. Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì Bộ Tài chính cấp ít.

Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn (đã thay chủ tịch, giám đốc quỹ nhưng vẫn chưa ổn), "có tiền mà không tiêu được". Phần tiền quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.

Nhưng bộ trưởng khẳng định: "Đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. Cách điều hành của anh em chỗ này, chỗ kia chưa được, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ".

Tháo gỡ chính sách cho phim điện ảnh để quảng bá du lịch

Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) cho rằng điện ảnh là một kênh để tạo nên thương hiệu và quảng bá hình ảnh cho Việt Nam và xúc tiến du lịch. Sự thành công của các bộ phim như Chuyện của Pao quảng bá cho Hà Giang, hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tạo nên thương hiệu cho Phú Yên; phim Đào, phở và piano cũng là kênh truyền bá văn hóa lịch sử.

"Thời gian tới bộ trưởng có giải pháp gì hỗ trợ ngành điện ảnh Việt Nam và giải pháp gì để những phim do Nhà nước đặt hàng đến được với khán giả, trở thành kênh xúc tiến quảng bá du lịch hiệu quả?" - đại biểu Xuân đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hùng cho biết Luật Điện ảnh mới được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ, đặt ra vấn đề không chỉ là quản lý nhà nước về lĩnh vực một bộ môn nghệ thuật, mà còn là kiến tạo phát triển, coi đây là công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, Chính phủ triển khai thực hiện, đạt được các kết quả nhất định.

Trong đó thu hút nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam, tổ chức xây dựng các bộ phim. Việt Nam có các phim trường tự nhiên rất đẹp và "tự nhiên có", gắn với kết hợp quảng bá con người, đất nước Việt Nam và du lịch. Vừa qua, bộ phim "Tình yêu của người du lịch" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các tổ chức quốc tế làm, đưa lên Netflix đã tạo hiệu ứng lan tỏa vùng đất và con người Việt Nam.

Ông Hùng cũng nói từ năm trước, bộ đã phối hợp với Nha Trang, Phú Yên xúc tiến du lịch qua điện ảnh. Tới đây bộ sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, vẻ đẹp tự nhiên, cơ chế chính sách, sự thông thoáng trong Luật Điện ảnh để làm cơ sở thực hiện.

Trong đó, sẽ tiếp tục phát triển các loại phim, đặc biệt phim tư nhân vì phim nhà nước ngân sách bố trí không nhiều, chỉ 600 - 700 tỉ đồng, nên bộ sẽ duyệt các nội dung cho phù hợp, như vừa rồi có phim Đào, phở và piano.

"Điểm nghẽn là những phim này không được bán vé, nên tới đây sẽ đề xuất điều chỉnh lại nghị định của Chính phủ được công bố, bán vé và thu hút lại để đầu tư cho các bộ phim khác" - ông Hùng nói.

Giải pháp nào để Việt Nam vượt Thái Lan thu hút khách du lịch trong 5 năm tới?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nêu năm 2024, chúng ta nêu mục tiêu thu hút 18 triệu khách quốc tế, dự kiến doanh thu khoảng 20 tỉ USD, chiếm 5% GDP.

Trong khi đó, năm nay Thái Lan đặt mục tiêu đón 40 triệu khách quốc tế và doanh thu là 98 tỉ USD, chiếm 12% GDP.

Theo đánh giá, xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới, có 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút khách quốc tế là tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên. Việt Nam xếp thứ 24 và 25 trên 119 nước, đều cao hơn Thái Lan.

Ông đề nghị bộ trưởng cho biết có những vướng mắc gì và giải pháp để Việt Nam vượt Thái Lan thu hút du khách quốc tế trong 5 năm tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hùng, bộ trưởng nêu rõ liên quan đến kết quả đánh giá xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới được công bố năm 2024, đây là đánh giá có giá trị để nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh. Đây cũng là một khuyến nghị.

Tuy nhiên, việc thu thập các số liệu đó vào năm 2022, Việt Nam mới thoát khỏi đại dịch nên mức độ phát triển chưa như bây giờ và có những số liệu tại thời điểm đó, nên nếu ở hiện nay sẽ có đánh giá lại.

Theo đó, nước ta được xếp hạng là 3,96 điểm, xếp hạng thứ 59/119 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khối ASEAN và thua sau Thái Lan.

Vì vậy, để nâng cao các thứ hạng này, ông Hùng đề xuất giải pháp cần giữ cho được các thứ hạng đã được xếp cao như sức cạnh tranh về giá, an toàn an ninh, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là những điểm nổi trội…

Còn các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, y tế, vệ sinh, bền vững về môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế - xã hội đến du lịch… thì bộ cũng đã đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo việc tập trung cải thiện. Như vệ sinh, y tế là do ngành y tế, địa phương hay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề lớn liên quan đến sức khỏe nhân dân, chứ không chỉ liên quan du lịch, nhưng trong chừng mực nào đó chưa được quan tâm. 

Ông dẫn chứng có địa phương trọng điểm của vùng du lịch nhưng bố trí kinh phí kiểm tra, kiểm định chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm có 500 triệu đồng. Với số tiền này, đoàn của Sở Y tế đi làm vài cuộc là hết bởi lấy test, kiểm tra vệ sinh không phải bằng mắt, mà bằng công cụ khoa học.

Do đó để làm được việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị chính quyền địa phương cũng cần tập trung, bởi vấn đề này không phải chỉ cho du lịch mà đời sống, sức khỏe của nhân dân, con cháu, giống nòi…

Bên cạnh đó về hạ tầng du lịch, bộ không được thẩm quyền quy định đầu tư, không được phép đầu tư, mà do địa phương lập dự án, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nên mong muốn làm để cải thiện chỉ tiêu. Khi đó xếp hạng sẽ tăng lên, khách sẽ đến.

Về visa, Thái Lan dùng chính sách này để mở cửa và vừa qua Quốc hội chúng ta cũng đã làm… Sắp tới, chúng ta sẽ làm trước và về độ mở sẽ xem xét cụ thể, chứ không phải vì khuyến nghị mà làm cái này cái khác. Cách làm cần thận trọng, chắc chắn và hiệu quả.

Đề nghị xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam để phát triển du lịch, bộ trưởng nói gì?

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu trong trả lời của bộ trưởng có khẳng định du lịch cũng cần tiếp thu văn minh nhân loại. Chúng ta có bộ nhận diện du lịch Việt Nam như du lịch biển, đảo… Tuy nhiên, du lịch biển, đảo cũng chỉ là một dòng sản phẩm du lịch. Ở quy mô quốc gia chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam để du lịch những năm tiếp theo hồi phục, với tỉ lệ du khách quốc tế quay lại cao.

Khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam là vì chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại trong lòng du khách. Chúng ta tự hào bản sắc 54 dân tộc ở 63 tỉnh thành. Nhật Bản dễ nhớ vì họ có sushi, núi Phú Sĩ, hoa anh đào, kimono, trà đạo... Bản sắc quốc gia thể hiện qua trang phục, ẩm thực, thắng cảnh, âm nhạc, nghệ thuật.

Du lịch Việt Nam có thể để lại dấu ấn với du khách về áo dài, Sơn Đoòng, phở, Hạ Long, đàn bầu, múa rối nước, rượu... Theo thư viện Quốc hội, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào được duyệt quốc hoa, quốc phục, quốc tửu, quốc cầm, vì vậy hạn chế việc quảng bá Việt Nam ra thế giới.

Ông đề nghị bộ trưởng nêu rõ quan điểm về việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, góp phần hồi phục du lịch những năm tiếp theo?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hùng nói khi trả lời chất vấn, bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nói cần xây dựng thương hiệu của Việt Nam trong một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Việc này rất cần thiết.

Nhưng ông nêu đã cho rà soát lại về cơ sở pháp lý thì chưa có. Đây là khoảng trống về mặt pháp lý.

Theo ông Hùng, nhìn từ góc độ văn hóa, năm 2011, Chính phủ có giao cho bộ xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa. Thời điểm đó, bộ làm nhận diện hoa sen, đề xuất nhưng làm xong trình lên vướng mắc ở chỗ ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký? Cuối cùng trả lời không ai có thẩm quyền cả vì không có quy định.

Bên cạnh đó, đã cho nhận diện lễ phục, quốc phục là bộ áo quần có tính chất đặc trưng. Việc này đã nghiên cứu nhưng sau đó khó nên phải dừng lại.

"Tôi rất chia sẻ với đại biểu Cảnh vì nhiều lần mặc áo dài đi họp. Chúng tôi biết điều đó, đại biểu rất trăn trở và muốn giữ bản sắc văn hóa.

Do vậy nhân đây, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung khoảng trống pháp lý này. Có thể giao cho một địa phương hay bộ nào, đưa vào trong luật để Chính phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận. Bởi đưa nhận diện ra rồi không được thẩm quyền công nhận thì không được", ông Hùng nói.

Hôm nay, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấnHôm nay, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Hôm nay 5-6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ 'đăng đàn' trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp