13/08/2015 09:23 GMT+7

​Đại biểu của tôi

ĐẶNG VĂN KHOA
ĐẶNG VĂN KHOA

TT - Tôi là một đại biểu dân cử và được bầu chọn 5 năm một lần, còn Tuổi Trẻ thì được bạn đọc bỏ phiếu tín nhiệm, không tín nhiệm mỗi ngày, thật đáng khâm phục.

Ông Đặng Văn Khoa giơ cao phụ trương của báo Tuổi Trẻ trong sự kiện phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam - Ảnh: T.T.D.

Đến tòa soạn Tuổi Trẻ nhiều lần, lúc được mời phỏng vấn, giao lưu, lúc chỉ đến uống trà, cà phê, nhưng có một lần tôi đã đến báo rất trịnh trọng, có hẹn trước, lại mang cả hoa, ấy là lần Tuổi Trẻ bị mắc vào vụ việc “hậu Năm Cam”. Tôi đến, chỉ nắm tay tổng biên tập Lê Hoàng để bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ.

Và có một lần Tuổi Trẻ đã cho tôi một niềm hứng khởi vô bờ, hứng khởi cho đến hôm nay và mãi sau này nữa...

Chưa bao giờ trong tôi có những cảm xúc say mê, mãnh liệt, chan hòa, nối kết, tự nguyện... như khi cầm tờ phụ trương Tuổi Trẻ ngày 11-5-2014 ấy đi  giữa phố Sài Gòn

Niềm hứng khởi vô bờ

Đó là ngày 11-5-2014, trong chuỗi ngày lòng dân sôi sục vì sự kiện giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sáng sớm chủ nhật 11-5 đó, tôi đến Nhà hát TP và nghĩ rằng sẽ có một cuộc tụ tập, diễu hành của người dân, chưa kịp mua tờ báo Tuổi Trẻ như thường lệ. Ở đó chương trình ca nhạc hằng tuần đang bắt đầu, có một số người dân đến, nhìn nhau, chờ đợi. Không có người tổ chức, chưa có người tiên phong. Chợt thấy một người dân cầm tờ phụ trương Tuổi Trẻ trên tay với dòng chữ đỏ đậm “Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi Việt Nam” với hình ảnh giàn khoan gạch chéo, tim tôi giật lên. Tôi nhận ra ngay đây là lời hiệu triệu đanh thép, đĩnh đạc, là tiếng nói của lòng dân mà Tuổi Trẻ nhạy cảm bắt được, đã chuẩn bị để cung cấp thật đúng lúc một phương tiện kết nối độc đáo, sáng tạo, làm chỗ dựa cho phong trào. Không có thời gian để ngạc nhiên, tôi xin người dân đó tờ phụ trương và giương cao lên. Y như dự đoán, mọi người bắt đầu quần tụ lại. Nhiều người đi tìm thêm báo Tuổi Trẻ, những người khác mang đến những lá cờ Tổ quốc, bài thơ Lý Thường Kiệt, khẩu hiệu viết vội... Từ mười mấy người bắt đầu hình thành một đám đông.

Có ai đó đưa vào tay tôi cái loa tay, quàng lên vai tôi lá cờ Tổ quốc. Tôi kêu gọi mọi người nắm tay nhau, cùng nhau hô vang “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam!”, “Việt Nam! Việt Nam!”... Tôi nói trước mọi người: “Chúng ta ở đây để biểu hiện tinh thần toàn dân VN sát cánh bên nhau, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ. Chúng ta ở đây là để ngăn chặn bước đi xâm lược của Trung Quốc, máu nóng trong tim nhưng các bạn hãy nhớ tinh thần phải ôn hòa, thái độ phải đĩnh đạc, không làm ảnh hưởng tới trật tự, an ninh của thành phố mình”.

Tôi giương cao phụ trương Tuổi Trẻ và dòng người cuồn cuộn thành hình, kéo càng lúc càng dài qua các đường phố. Chưa bao giờ trong tôi có những cảm xúc say mê, mãnh liệt, chan hòa, nối kết, tự nguyện... như khi cầm tờ phụ trương Tuổi Trẻ ngày 11-5-2014 ấy đi giữa phố Sài Gòn, mặc dù tôi đã tham gia nhiều cuộc mittinh trong hội trường hay ngoài đường phố suốt 40 năm qua. Những người xung quanh tôi cũng thế. Mọi việc tưởng như thật tình cờ nhưng không phải tình cờ...

Sức mạnh của lòng dân

Ngày hôm đó, tôi cảm nhận được sự tự nguyện hoàn toàn của người dân xung quanh lời hiệu triệu ngắn gọn của Tuổi Trẻ trên tờ phụ trương, là bởi khẩu hiệu ấy đi ra từ chính lòng dân. Tôi thấy sự đa dạng của những người tham gia: có nhà sư, có người già, em bé, có nhân sĩ trí thức, có anh xe ôm, xích lô, có cặp tình nhân đang chụp hình đám cưới. Sự đa dạng còn trong cách biểu lộ: có người mang khẩu hiệu, có người viết nguệch ngoạc, có người in màu thật đẹp, có người lặng lẽ suy tư... Sự đồng thuận cao độ, dữ dội, tuyệt đối, sâu sắc, không hình thức, không cần diễn văn kêu gọi. Sự đồng thuận ấy nói lên rằng đất đai, biển đảo là thiêng liêng, không thể xâm phạm. Sự cộng hưởng của đoàn người ở TP.HCM hôm đó đã lan tỏa, kêu gọi thêm nhiều đoàn người ở các nơi khác, thành phố, tỉnh thành khác. Không hề có sự quá khích mà rất ôn hòa.

Ngày hôm đó tôi cảm nhận được thật sâu sắc sức mạnh của lòng dân. Từ ngày hôm ấy, tôi thay ảnh đại diện của mình trên mạng: thay tấm ảnh phát biểu tại hội đồng nhân dân thành ảnh giương cao tờ phụ trương báo Tuổi Trẻ trước dòng người.

Vì vậy, đến hôm nay, tôi vẫn muốn tìm cơ hội để nhắc lại một lần nữa câu chuyện ấy, tinh thần ấy. Và một lần nữa cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã rất trẻ, nhạy cảm, nghĩa khí, mạnh mẽ, bản lĩnh để vượt qua những rào cản, làm điều cần làm ở thời điểm cần thiết. Đó mới chính là Tuổi Trẻ mà tôi và hàng triệu bạn đọc đã yêu quý, tin tưởng 40 năm qua. Tuổi Trẻ là người đại biểu của tôi. Hãy xứng đáng nhé!

 

Mời bạn đọc viết “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi”  

Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển (2-9-1975 - 2-9-2015), báoTuổi Trẻ đã nhận được sự gắn bó, sẻ chia của biết bao thế hệ bạn đọc.

Không chỉ với tư cách người đọc báo mà bạn đọc còn cùng làm báo, góp sức, hiến kế để Tuổi Trẻ ngày càng lớn mạnh, vững vàng và chuyên nghiệp hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo, như một sự tri ân bạn đọc, tòa soạn báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài trên trang bạn đọc mang chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ.

Đó có thể là câu chuyện, là bài học rút ra từ chính những nhân vật của Tuổi Trẻ như những tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường, những nông dân chân chất với chương trình Tiếp sức nhà nông... chia sẻ những hỗ trợ để họ vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc đời và bắt đầu gặt hái được thành công.

Đó có thể là câu chuyện của chính những người “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” khi chia sẻ thông tin đến đường dây nóng, đồng thời lăn lóc cùng phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập thực tế với ước mong ngăn chặn cái xấu, tìm lại sự công bằng cho người yếu thế, những số phận kém may mắn.

Đó cũng có thể là những tâm tình của bạn đọc khi gửi gắm những kỳ vọng đến Tuổi Trẻ, khi cảm nhận được những điều mới mẻ từ những bài học vượt khó của các nhân vật mà Tuổi Trẻ giới thiệu.

Và đó cũng có thể là những hiến kế khả thi mà bạn đọc đề nghị báo Tuổi Trẻ thực hiện để góp phần nâng chất lượng tờ báo với mục tiêu phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Báo Tuổi Trẻ hi vọng sẽ đón nhận được nhiều bài viết chia sẻ về chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm và Tôi”.

Những bài viết hay, tâm huyết sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và 20 tác giả có bài viết hay, hiến kế thiết thực sẽ tham gia giao lưu, nhận quà tặng trong dịp kỷ niệm 40 năm của Tuổi Trẻ.

Bài viết chia sẻ vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015.

 

 

 

 

 

 

 

ĐẶNG VĂN KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp