Phi công người Anh Cameron đang hồi phục tại bệnh viện đại học Wishaw - Ảnh: BBC
Stephen Cameron, 42 tuổi, đến từ Motherwell, Scotland là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất ở Việt Nam và được biết đến trên toàn quốc với cách gọi Bệnh nhân 91.
Phi công người Anh đã có hơn hai tháng vật lộn với COVID-19 ở Việt Nam. Ông cảnh báo người Anh "đừng chủ quan với virus corona" trong bối cảnh các biện pháp cách ly ở nước này đang dần dỡ bỏ.
"Tôi là một ví dụ sống về những gì mà virus corona có thể làm và mức độ nghiêm trọng của nó", ông nói với đài BBC từ giường bệnh viện Wishaw, gần Glasgow, Scotland.
Các bác sĩ chăm sóc Cameron nói ông còn "cả một chặng đường dài" để hồi phục.
Phi công người Anh lúc còn ở Việt Nam - Ảnh: VGP
Bác sĩ Manish Patel, chuyên gia hô hấp chịu trách nhiệm chăm sóc Cameron từ khi ông trở lại Scotland vào ngày 12-7, nói: "Mọi người nói được chăm sóc đặc biệt giống như chạy marathon. Trong trường hợp của Cameron, tôi nghĩ anh ấy phải chạy siêu marathon".
"Tôi không nghĩ NHS (Dịch vụ y tế quốc gia) có thể đối phó với làn sóng bệnh nhân cần chăm sóc như tôi đã cần", ông Cameron nói.
Bệnh nhân nặng nhất châu Á
Phi công người Anh đã dành 68 ngày thở máy - hầu hết trong số đó ông phải phụ thuộc vào ECMO, một hình thức hỗ trợ sự sống chỉ được sử dụng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.
"Tôi nghe nói rằng tôi là bệnh nhân nặng nhất châu Á trong một thời gian", Cameron nói. "Các bác sĩ Việt Nam có thể sử dụng kiến thức mà họ thu được từ tôi cho những bệnh nhân với tình trạng tương tự".
Phi công người Anh đã tránh được ca ghép phổi - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Bác sĩ Patel nói với BBC rằng ông Cameron sống sót trong thời gian dài như vậy trong tình trạng hôn mê là rất "đặc biệt". "Chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm về việc một người dùng máy thở trong hơn 1 tháng rưỡi", bác sĩ Patel cho biết.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Chăm sóc chuyên sâu Scotland, khoảng 3/4 số người sống sót với COVID-19 được chăm sóc đặc biệt chưa tới 21 ngày và được thở máy trong thời gian ngắn hơn.
Phi công người Anh cùng Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Ian Gibbons và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Ông Cameron đã tránh được một ca ghép phổi khi dung tích phổi của ông giảm xuống 10%. Ông ta cũng bị suy đa tạng và giảm 30kg khi đang hôn mê. Hiện Cameron vẫn đang cố gắng đi bộ dù đã được phục hồi chức năng.
"Khi tôi thức dậy lần đầu tiên, tôi nghĩ liệu mình có thể đi lại không?", Cameron nói. "Tôi không biết liệu tôi có bị liệt cả đời không vì tôi không thể cảm nhận được đôi chân của mình và tôi không biết sự nghiệp bay của mình có chấm dứt hay không".
Mục tiêu của Cameron là trở lại lái máy bay vào "đầu năm tới", nhưng việc phục hồi của ông sẽ kéo dài và gian khổ. Chưa kể công việc của ông cũng bị đe dọa bởi những tác động tiêu cực mà đại dịch gây ra cho ngành hàng không.
Không ca tử vong
Phi công người Anh đến gần với cái chết vì virus corona hơn ai hết ở Việt Nam, nơi đã có dưới 10 người được chăm sóc đặc biệt và hơn 400 ca nhiễm được ghi nhận.
Nỗ lực giữ Cameron sống sót và tránh một ca tử vong do virus corona ở quốc gia có 95 triệu dân đồng nghĩa với việc tất cả bác sĩ giỏi nhất của Việt Nam đều tham gia vào việc cứu sống ông, BBC bình luận.
Bác sĩ Việt Nam hội chẩn để cứu phi công người Anh - Ảnh: VGP
Câu chuyện của Cameron đã trở thành tiêu đề trên các tờ báo khắp cả nước và bản tin thời sự trên truyền hình. "Đa số cả nước biết về Bệnh nhân 91, đó là biệt danh của tôi", Cameron nói.
Hàng trăm tờ báo và quan chức theo dõi ông Cameron rời khỏi bệnh viện ở TP.HCM hai tuần trước.
Phi công người Anh ra viện - Ảnh: EPA
Khi lần đầu tiên Cameron nhiễm bệnh ở một quán bar, trường hợp của ông đã gây tranh cãi vì liệu ông có phải là nguồn gốc bùng phát dịch hay không.
Kể từ khi ông Cameron trở về Vương quốc Anh, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã cảm ơn phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, vì đã điều trị cho 20 bệnh nhân người Anh tại Việt Nam, bao gồm ông Cameron.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận