Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục xin giới thiệu bài viết này của TS Nguyễn Hoàng Chương.
"Một trong những nút thắt của đại án OceanBank có lẽ là số tiền hơn 300 tỷ đồng mà ông Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc tội tham ô ai nhận? Nhân đọc bài viết: "", tôi có mấy suy nghĩ.
Trả lại tiền mà bản thân đã nhận từ ông Sơn không chỉ giúp mình sống thanh thản mà còn là hành động làm gương - điều này không bao giờ muộn và là cách thức để có được sự khoan hồng. Cuộc sống, trong dòng luân chuyển có tính tuần hoàn - điểm kết thúc cũng chính là điểm bắt đầu".
TS Nguyễn Hoàng Chương
Những ai đã nhận tiền ông đưa - hãy trả lại tiền, tôi cho lời cuối này thật lòng. Có thể suy ra, ông đang nhớ đưa cho những ai - vào dịp nào - đưa ở đâu? Cũng đúng thôi; số tiền đưa mỗi lần không hề nhỏ, vài chục triệu cho đến 200 triệu đồng khó mà quên được nhất là khi đang gặm nhắm những ngày dài trong phòng biệt giam.
Tôi nghĩ, ông ấy chưa nói chứ không phải không nói. Có một vụ trọng án ma túy, phạm nhân khi ra pháp trường mới xin được khai tên kẻ chủ mưu, mong tha tội chết. Từ đấy vụ án mở rộng, sự thật sáng tỏ và tử tù do thành khẩn nên nhận sự khoan hồng của luật pháp.
Và biết đâu, tình huống tương tự sẽ lặp lại trong vụ án OceanBank nếu có người bị tòa tuyên tử hình?
Tìm ra những người đã nhận tiền từ ông Nguyễn Xuân Sơn - nếu có, thiết nghĩ không phải là quá khó đối với cơ quan điều tra. Công an Việt Nam vốn có truyền thống phá những vụ án cực kỳ khó khăn, làm nức lòng người dân cả nước, làm bạn bè quốc tế khâm phục.
Vấn đề là hãy tập trung nguồn lực, với quyết tâm đi đến tận cùng của ‘sự thật OceanBank’, hãy tung vào đây những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm (xin được ví, tướng Hồ Sĩ Tiến chẳng hạn).
Ông Nguyễn Xuân Sơn là một mắc xích quan trọng, có thể giờ này ông đang đấu tranh với bản thân; ông đang hoài niệm về những ngày tháng tự do; ông đang nghĩ về tội lỗi của mình; ông đang hy vọng được hưởng khoan hồng.
"Một nửa sự thật không phải sự thật", trong đại án OceanBank có những người đang nắm rõ - trong số ấy, có người đang bị biệt giam và có người mà công lý chưa "sờ gáy".
Công luận, cơ quan điều tra, gia đình là những người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giúp tìm ra sự thật, tiền của dân phải được trả lại để phục vụ lợi ích chính đáng cho nhân dân.
Đó không chỉ là lý mà còn là tình; lý - tình thật khó phân chia; kết nên truyền thống mấy ngàn năm lịch sử dân tộc ta là tư tưởng nhân nghĩa, là quan niệm sống duy tình.
Sự thật được bóc trần, dù rất đau nhưng càng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chống tham nhũng; thể hiện một hành động, phát triển một niềm tin: Trong cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm.
Với những người đã nhận tiền từ ông Sơn - nếu có, im lặng ư? Mình được sống và có người vì mình mà chịu tội chết, day dứt ấy khó mà nguôi ngoai!
Chưa nói đến cá nhân luôn đặt trong bao mối quan hệ vừa chằng chịt (tốt - xấu) vừa kết nối (ruột rà - bằng hữu), vừa đủ cung bậc cảm xúc (hỉ - nộ - ái - ố).
Mình của quá khứ, mình của hiện tại và... con cháu mình của tương lai. Người ta vẫn thường nói và không ít người tin rằng: chết không phải là hết, phải chăng được hiểu biện chứng như thế?
Nhân quả - hiển hiện đấy, bởi đó là quy luật của tự nhiên, quy luật của xã hội, quy luật của muôn đời.
"Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người", tục ngữ Việt Nam thật sâu sắc. Với quan niệm sống ấy, dẫn đến cách giải quyết rất tình của luật pháp: "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại".
Vì vậy, trả lại tiền mà bản thân đã nhận từ ông Sơn không chỉ giúp mình sống thanh thản mà còn là hành động làm gương - điều này không bao giờ muộn và là cách thức để có được sự khoan hồng. Cuộc sống, trong dòng luân chuyển có tính tuần hoàn - điểm kết thúc cũng chính là điểm bắt đầu.
Chẳng có gì giấu được mãi với thời gian, cần lắm một quyết định của người trong cuộc đưa ra thấu lý, đạt tình. Hãy để phần ‘người’ trỗi dậy ai ơi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận