Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Myanmar - Ảnh: UN.ORG
"Điều quan trọng là hội đồng phải kiên quyết và chặt chẽ trong việc cảnh báo các lực lượng an ninh và sát cánh mạnh mẽ với người dân Myanmar, ủng hộ kết quả bầu cử rõ ràng vào tháng 11-2020", Hãng tin Reuters dẫn lời bà Christine Schraner Burgener nói trước 15 thành viên hội đồng trong một cuộc họp kín.
Bà đặc sứ mô tả tình hình ở Myanmar đang dần trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo. "Cuộc đảo chính đã ảnh hưởng tận gốc lực lượng lao động, đầu tư, sự ổn định, khả năng dự báo trước, sự kết nối và an ninh. Nền kinh tế Myanmar như đang bị nhiễm trùng máu", bà nói.
"Cần phải khẩn cấp hành động chung. Làm sao chúng ta có thể cho phép quân đội Myanmar thoát khỏi vụ việc này thêm nữa?", bà Burgener đặt câu hỏi. Bà Burgener cho biết đã nhận được khoảng 20.000 thông điệp từ Myanmar yêu cầu cộng đồng quốc tế hành động.
Đặc sứ LHQ cũng kêu gọi các nước không công nhận chính quyền quân sự Myanmar và ủng hộ đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun, người bị cách chức sau khi kêu gọi thế giới ngăn chặn cuộc đảo chính.
Dù vậy, bà Burgener không kêu gọi trừng phạt Myanmar. LHQ trước đó đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình Myanmar nhưng không lên án vụ đảo chính do quân đội tiến hành vì hai thành viên Nga và Trung Quốc phản đối.
Giới ngoại giao cho biết phiên họp của LHQ ngày 5-3 sẽ không đưa ra tuyên bố nào như đề xuất của Anh.
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội tuyên bố nắm quyền và bắt giữ nhiều lãnh đạo đất nước, bao gồm cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Các cuộc biểu tình đến nay đã làm hàng chục người thiệt mạng khi cảnh sát sử dụng vũ lực và nổ súng vào người dân.
Trong khi các nước phương Tây gây sức ép bằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào quân đội Myanmar, các nước thành viên ASEAN đã kêu gọi Myanmar lập tức chấm dứt bạo lực đẫm máu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận