09/10/2011 02:22 GMT+7

Đá vì cái gì?

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - “Con ráng đứng nhất lớp đi, mẹ sẽ thưởng cho chiếc Dylan”, “Con ráng thi đậu đại học đi, bố sẽ thưởng một thẻ tín dụng với tài khoản 50 triệu”... Nhiều năm đi dạy, tôi đã được nghe các học trò con nhà giàu kể chuyện bố mẹ các em treo thưởng như thế.

SJkf3mkz.jpgPhóng to

Dù tôi chưa bao giờ thấy em nào lấy được chiếc Dylan, em nào lấy được chiếc thẻ tín dụng 50 triệu, 100 triệu đồng nhờ đứng nhất lớp, nhờ thi đậu vào đại học nhưng các em vẫn cứ có Dylan chạy, vẫn tiêu tiền như nước bởi chẳng cần học thật giỏi cũng thừa mưu để moi tiền bố mẹ dư tiền lắm của!

Trong khi đó, các em học sinh con nhà nghèo ở miền Trung chỉ mong cơm ăn đủ no để đến lớp đã là quý, thì vào đại học dễ như bỡn. Những em ấy chẳng ai hứa thưởng gì cả. Các em chỉ học vì ham học, học vì mình, học để hi vọng đổi đời. Thế thôi, nhưng các em đều thành công cả.

Giáo dục con em trong chuyện học hành nghĩ cũng chẳng khác gì chuyện trong bóng đá. Vừa rồi xem qua các trận đấu của đội tuyển bóng đá U-21, chẳng nghe ai hứa thưởng gì cả nhưng các cầu thủ trẻ cứ đá như những người lính ra trận. Họ mắm môi mắm lợi đá trong mưa, đá trên mặt sân lầy lội một cách cần mẫn như những người nông dân một nắng hai sương. Giá đội tuyển quốc gia, đội tuyển U-23 thi đấu giải vô địch Đông Nam Á, SEA Games mà thể hiện được tinh thần ấy thì có thua cũng chẳng ai trách.

Nói xa nói gần để rồi nói thật: Tôi muốn đề cập chuyện hai doanh nghiệp tuyên bố treo thưởng mỗi nơi nửa triệu USD cho đội tuyển U-23 nếu vô địch SEA Games. Câu chuyện này cũng chẳng khác gì chuyện giáo dục con trẻ trong học hành.

Tại sao người ta không nghĩ đến chuyện làm sao để cầu thủ hiểu được rằng họ phải đá hết mình vì chiếc áo có đính lá cờ Tổ quốc ngay trái tim. Họ phải thi đấu vì hàng triệu người VN đang trông chờ một bộ HCV của bóng đá, vốn đã vắng bóng hơn nửa thế kỷ. Thậm chí có thể lý trí hơn, đó là nếu thành công họ sẽ trở thành ngôi sao. Mà ngôi sao trong làng bóng VN bây giờ chuyện kiếm bạc tỉ là trong tầm tay.

Thay vì tìm cách dạy các cầu thủ phải hiểu được những điều đó, người ta lại dùng tiền để “nhử”. Cách này tôi đoan chắc các cầu thủ rồi cũng hỏng. Như những cô cậu học trò con nhà khá giả mà tôi đã kể trên, chỉ giỏi mánh lới moi tiền chứ không giỏi học. Và chuyện cầu thủ hư hình như cũng chẳng cần phải đoán, vì báo chí đã nói nhiều và ngay chính những người treo thưởng đã không dưới một lần mắng cầu thủ bây giờ quá quắt đó sao!

Năm 2008, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức cho các tuyển thủ giao lưu với bệnh nhi ung thư ở sân Thành Long. Đọc báo, thấy nhiều tuyển thủ đã khóc ở cuộc gặp ấy và tâm sự: chưa bao giờ được tham gia những cuộc gặp như thế này! Năm ấy đội tuyển VN đã lần đầu tiên đoạt cúp vô địch Đông Nam Á. Có thể chỉ là một sự tình cờ thôi nhưng chắc chắn một điều, các tuyển thủ sau chuyến gặp gỡ bệnh nhi ung thư đã trưởng thành lên rất nhiều.

Tôi nghĩ các doanh nghiệp nên rút lại 1 triệu USD treo thưởng. Thay vào đó, hãy đưa các tuyển thủ U-23 đến với những trại trẻ mồ côi, bệnh nhi ung thư, người già bất hạnh... chắc chắn họ sẽ học được rất nhiều. Và chúng ta chỉ cần nói với các cầu thủ: hãy cống hiến hết mình đi, mọi người sẽ không quên công lao các bạn.

Còn không, ở đấu trường SEA Games 26 tôi và có lẽ không ít người nữa sẽ không thật thoải mái khi xem tuyển U-23 VN thi đấu vì chẳng biết họ đá vì tiền hay vì màu cờ sắc áo!

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp