4 lần lấy số thứ tự, 3 lần lên xuống lầu khám bảo hiểm y tế
Khám bệnh phải chờ đợi lâu là một trong những vấn đề ám ảnh người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) mỗi khi đến bệnh viện. Đây cũng chính là điều người bệnh than phiền nhiều nhất khi có ý kiến khảo sát, trong đó đặc biệt là khâu làm thủ tục khám BHYT và khâu đăng ký khám.
Các bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết "bài toán" này, nhưng nhiều người bệnh phải mất cả buổi sáng, thậm chí qua buổi chiều mới khám xong và lấy được thuốc BHYT.
Bạn đọc Thành Công ấm ức: "Nói tới khám BHYT định kỳ là bệnh nhân như chúng tôi quá ngán ngẩm rồi!
Là bệnh nhân ngoại trú cứ 21 ngày hằng tháng mỗi lần đi tái khám là tôi lại phải ngồi chờ đợi. Bức xúc và chán nản nhất là khâu chờ làm thủ tục đăng ký khám và khâu chờ kêu tên vào khám.
Gần như ở bất kỳ bệnh viện công nào cũng có chuyện này. Không biết có phép màu nào để chấm dứt việc hành hạ người bệnh BHYT phải chờ đợi mỏi mòn không?".
Kể lại cụ thể đoạn trường khám bệnh theo BHYT, bạn đọc Lan viết: "Tôi đi khám bệnh định kỳ ở Bệnh viện Nguyễn Trãi, có mặt lúc sáng sớm, về tới nhà khi nào cũng trưa trật.
Thủ tục quá rườm rà: đến lấy số thứ tự, đến quầy xếp hàng đợi đến số để lấy số thứ tự của phòng khám, lên phòng khám chờ. Bác sĩ khám 3-5 phút hoặc tối đa 7 phút, lấy toa thuốc chạy nhanh xuống quầy tính tiền nộp đơn thuốc, ngồi chờ tiếp.
Rồi lại lấy số thứ tự, chạy ngược lên lầu nộp đơn thuốc vào quầy, tiếp tục chờ tới số thứ tự để lãnh thuốc.
Như vậy 4 lần lấy số thứ tự, chạy lên chạy xuống lầu 3 lần. Người già hoặc người tàn tật, bệnh nặng càng vất vả hơn".
Còn theo bạn đọc Trung: "Để người già bệnh mãn tính đi nhận thuốc BHYT chỉ có 21 ngày uống là quá bất tiện, đề nghị cấp 30 ngày. Tương tự, bạn đọc Lê Văn Cường có ý kiến: "Rất bất tiện cho người già sử dụng BHYT phải tái khám, lấy thuốc chỉ 21 ngày. Sao không phải là 30 ngày?".
Ưu tiên cho người dành cả thanh xuân đóng bảo hiểm y tế
Nguyên tắc của bảo hiểm là chia sẻ khi rủi ro và nhiều người cùng đóng tiền dành cho người ốm đau, cần chi phí cao được hỗ trợ tài chính.
Điều đó cũng đúng nhưng không có lý nào mà người ta cứ đóng mãi tiền để cho người khác hưởng, còn bản thân người đóng tiền ấy khi muốn dùng dịch vụ lại gặp chuyện trần ai.
Bạn đọc Tam chia sẻ: "Lượng người tham gia đóng bảo hiểm rất nhiều, từ 6 tuổi trở lên đã phải đóng BHYT cho đến khi về hưu, tức là có đến 50 năm tham gia bảo hiểm.
Và hầu như những người trẻ không khám bệnh thường xuyên, chủ yếu những người lớn tuổi, mắc các bệnh mãn tính mới hay khám thường xuyên. Có thể nói dành cả thanh xuân đóng BHYT để khi lớn tuổi mới khám bệnh. Với thời gian dài tham gia bảo hiểm như vậy, họ phải là khách VIP, khách ưu tiên mới đúng chứ".
Và bạn đọc Phạm Tấn Minh đề xuất: "BHYT nên xem xét mức đóng 5 năm, 10 năm, 15 năm để được hưởng chế độ cho phù hợp với từng mức đóng. Ví dụ trên 10 năm sẽ được hưởng 80% ở các tuyến, các bệnh viện".
Còn bạn đọc Lê Đức Tuyên gợi ý: "Nên nghiên cứu theo hướng đa tầng bảo hiểm y tế. Ai đóng cao thì trực tiếp lên tuyến trên, ai đóng thấp thì khám chữa bệnh ban đầu vẫn ở tuyến dưới".
Đẩy nhanh khám bệnh từ xa
Để giải quyết bài toán người bệnh không phải mỏi mòn chờ khám BHYT, theo bạn đọc Trần Văn Nguội: "Cần đẩy nhanh thực hiện thông tư 30/2023/TT-BYT khám bệnh từ xa với các bệnh mãn tính đến nhận thuốc điều trị hằng tháng".
Trong khi đó, bạn đọc Đặng Hinh có hai giải pháp: Lấy phiếu khám theo BHYT qua tổng đài hoặc website để người bệnh và bệnh viện chủ động. Giải pháp này có thể triển khai ngay khi các bệnh viện đã áp dụng với khám dịch vụ.
Bạn đọc Sáu Thời Sự gợi ý thêm: "Ở nhiều nước, các bệnh mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường thì người bệnh hằng tháng chỉ cần đến hiệu thuốc gần nhà để lãnh thuốc sau khi đã có chỉ định của bác sĩ.
Sau đó trong vòng một năm phải đi thăm khám, xét nghiệm lại. Việc đỡ tốn thời gian cho người bệnh thay vì hằng tháng phải đi tái khám bệnh để được cấp phát thuốc".
Về lâu dài, theo bạn đọc Nguyễn Xuân Hoàng: "Tốc độ tăng trưởng BHYT toàn dân tăng nhanh hơn tốc độ phát triển của bệnh viện công. Vậy làm sao không quá tải cho bệnh viện công được.
Muốn giảm tình trạng này, việc tăng trưởng quy mô bệnh viện công phải đi trước một bước. Đã mua BHYT mà khám bệnh viện tư thì chi phí thuốc và điều trị sẽ cao vì khống chế bởi giá thuốc của BHXH quy định. Nếu khắc phục ngay, tình trạng quá tải bệnh viện công sẽ được khai thông như kỳ vọng của người bệnh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận