Đá rơi vào đường sắt do hầm đã cũ, hỏng, trời mưa
Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lúc 15h32 ngày 7-8 xảy ra việc đá rơi vào đường sắt trong hầm số 2 tại km455+765 tuyến đường sắt Bắc - Nam nằm giữa ga Ngọc Lâm và Lạc Sơn thuộc xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Do việc khắc phục kéo dài nên phải phong tỏa đoạn đường sắt giữa hai ga Ngọc Lâm và Lạc Sơn để cứu viện. Nhiều đoàn tàu nằm chờ thông đường.
Phía đường sắt Việt Nam đã phối hợp đơn vị thi công gia cố hầm lập tàu cứu viện chở máy xúc vào khắc phục sự cố. Đến 19h50 khắc phục xong, các đoàn tàu lưu thông trở lại qua hầm.
Tuy nhiên việc xử lý đá rơi mất nhiều thời gian khiến tàu khách SE7 phải dừng tại ga Ngọc Lâm 213 phút, tàu hàng SH33 dừng tại ga Đông Lê 421 phút, tàu hàng HH10T đỗ 252 phút tại ga Lạc Sơn, tàu khách SE12 đỗ tại ga Lạc Sơn 248 phút, tàu khách SE6 đỗ tại ga Lệ Sơn 170 phút, tàu khách SE4 đỗ tại ga Minh Lệ 88 phút, tàu hàng AH1 đỗ tại ga Kim Lũ 986 phút và tàu khách SE2 đỗ ga Ngân Sơn 49 phút.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thiện Cảnh - phó cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt - cho biết Cục Đường sắt chưa nhận được báo cáo từ Ban quản lý dự án 85 và Tổng công ty Đường sắt về vụ việc.
Thông tin sơ bộ Cục Đường sắt nắm được là khi Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thi công gia cố hầm yếu có hai tảng đá lớn rơi xuống đường sắt chạy qua hầm. Một tảng đá khác có nguy cơ rơi xuống nên mất nhiều thời gian để tháo dỡ tảng đá này.
Theo ông Cảnh, các hầm đường sắt qua Quảng Bình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đã hư hại nặng. Vỏ hầm cũ đã hỏng, khi trời mưa nước chảy qua vỏ hầm xuống đường sắt.
Do vậy, Chính phủ đã bố trí vốn thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Các hầm đường sắt sẽ được thi công làm lại áo hầm bằng bê tông.
Giải pháp nào đảm bảo an toàn?
Ông Cảnh cho biết giải pháp đảm bảo an toàn khi vừa thi công vừa chạy tàu là: thực hiện phong tỏa không cho chạy tàu qua khu vực thi công; khi tạm dừng thi công, đơn vị thi công dùng giàn giáo, vách ngăn để chống đỡ đảm bảo an toàn cho tàu chạy qua với tốc độ chậm.
Thời điểm rơi đá trong hầm đường sắt vào ngày 7-8 là lúc đang thi công, không có tàu chạy qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Gia Khánh - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết vụ đá rơi vào đường sắt tại Quảng Bình không phải là sự cố, mà do cần nhiều thời gian xử lý, khai thông đường nên chậm tàu.
Việc rơi đá có thể do khu vực thi công hầm những ngày qua mưa nhiều nên lượng nước ngấm qua vỏ hầm nhiều hơn.
Ông Khánh cho biết ngoài thời gian thi công, để phục vụ chạy tàu đơn vị thi công sẽ sử dụng khung đỡ, giàn giáo phòng đá lăn, đá rơi rồi rút thiết bị ra để tàu chạy qua hầm với tốc độ không quá 15km/h.
Các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trị giá 7.000 tỉ đồng được Bộ Giao thông vận tải khởi công vào tháng 5-2020 nhằm cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Trong đó, dự án thực hiện gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo sự phân công của Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án 85 được giao làm chủ đầu tư dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.
Trong quá trình thi công dự án từng xảy ra sự cố như tàu SE8 va vào máy xúc đỗ trong khổ giới hạn đường sắt giữa ga Đông Tác - Tuy Hòa làm hư hỏng đầu máy, chậm nhiều đoàn tàu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận