Giáo viên ở TP.HCM tập huấn giảng dạy chương trình giáo dục mới - Ảnh: NHƯ HÙNG
Như vậy tới khoảng cuối tháng 4-2021 việc chọn sách giáo khoa của 63 tỉnh thành mới hoàn tất.
Theo quy định, việc chọn sách phải xong trước 5 tháng so với thời điểm khai giảng năm học mới. Bởi sau khi chọn sách còn rất nhiều việc phải làm như in ấn, phát hành, tập huấn sử dụng sách cho các địa phương.
Kết quả "rất đa dạng"
Về chọn sách, tới thời điểm này chưa thấy địa phương nào chỉ chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 của một đơn vị đã được phê duyệt mà tùy theo môn học có thể chọn từ nhiều bộ sách khác nhau. So với quy định chọn sách lớp 1 áp dụng năm học trước, việc chọn sách lớp 2, lớp 6 sẽ theo quy định mới, thẩm quyền quyết định là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tại Hà Nội, theo ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT, UBND TP Hà Nội vừa ký quyết định chọn sách giáo khoa. Với gần 700 trường THCS và hơn 800 trường tiểu học, việc tập hợp ý kiến của giáo viên các trường, phân tích để quyết định lựa chọn cần thời gian dài hơn ở những địa phương khác. Hà Nội thành lập 9 hội đồng chọn sách giáo khoa lớp 2 và 12 hội đồng chọn sách giáo khoa lớp 6 (mỗi môn 1 hội đồng).
Nhiều trưởng phòng GD-ĐT tại Hà Nội như Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, Bắc Từ Liêm khi chia sẻ về kết quả chọn sách lớp 2, lớp 6 đều cho biết "rất đa dạng". Trong một trường, những ý kiến cũng khác nhau về việc chọn sách cho từng môn học. Hiếm trường có đề xuất chỉ chọn 1 bộ trọn vẹn của 1 nhà xuất bản.
Ông Phạm Xuân Tiến cũng khẳng định không có môn học nào chỉ chọn sách của một đơn vị mà đều chọn từ 2-3 sách của cả 3 nhà xuất bản.
Tại Bắc Giang, có 18/32 sách giáo khoa lớp 2 của 9 môn học/hoạt động giáo dục và 24/40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học/hoạt động giáo dục được lựa chọn để sử dụng trong các trường vào năm học tới. Trong đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết trung bình mỗi môn học có 2 sách trong số sách của 3 đơn vị có sách được phê duyệt được tỉnh này lựa chọn.
Như vậy không có việc "đồng phục" sách giáo khoa trên toàn tỉnh mà cùng 1 môn học, lớp học, mỗi trường có thể sử dụng 1 sách khác nhau. Ở các tỉnh khác như Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái cũng tương tự.
"Mặc dù năm nay tỉnh quyết định chọn sách, các trường không bắt buộc thành lập hội đồng chọn sách cấp trường nhưng chúng tôi vẫn thành lập hội đồng ở cấp trường để tổ chức cho giáo viên tiếp cận, thảo luận và có ý kiến đánh giá sách giáo khoa của cả 3 bộ sách được phê duyệt và tập hợp ý kiến gửi cho hội đồng cấp tỉnh" - bà Nguyễn Thị Xuân, phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết báo cáo của gần 30 tỉnh thành cho thấy không có địa phương nào chỉ chọn 1 bộ sách mà đều chọn hơn 1 bộ, hoặc chọn sách từ cả 3 bộ.
Cùng với việc Bộ GD-ĐT trực tiếp đi kiểm tra quy trình thực hiện, kết quả này cũng cho thấy các địa phương thực hiện đúng yêu cầu chọn sách giáo khoa dựa trên ý kiến đánh giá, nhận xét, đề xuất của giáo viên và các trường.
Tập huấn cả trực tiếp lẫn trực tuyến
Theo một số lãnh đạo sở GD-ĐT, việc tập huấn sách giáo khoa có thể thực hiện ngay trong tháng 6 và tháng 7 bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp để kịp cho năm học mới. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết với việc tập huấn sách đợt này Bộ GD-ĐT không chỉ giám sát mà còn yêu cầu các nhà xuất bản phải phối hợp với địa phương để kết hợp ngay trong tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới.
"Hiện các địa phương đang bồi dưỡng giáo viên ở các môđun 2, 3 (phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh). Sẽ rất tốt nếu các nhà xuất bản tận dụng cơ hội này để lồng ghép tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới cho các tỉnh thành.
Giáo viên có thể sử dụng luôn sách được lựa chọn làm tài liệu, ngữ liệu cho việc xây dựng bài giảng và đánh giá học sinh. Việc nhúng sách vào quá trình thực hiện bài giảng, thực hành của giáo viên không chỉ giúp giáo viên sử dụng sách thuận lợi mà còn có thể phát hiện những vấn đề cần giải đáp, đề xuất điều chỉnh kịp thời" - ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, trước năm học mới, theo kế hoạch giáo viên thực hiện chương trình mới sẽ được tập huấn môđun cuối cùng là xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Đây là môđun quan trọng để giáo viên và cán bộ quản lý hiểu được sự chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa, tránh tình trạng rơi vào quá tải do cứng nhắc thực hiện như với sách giáo khoa lớp 1 năm trước.
TP.HCM: tham khảo đề xuất của trường trước khi chọn
Tại TP.HCM, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT, chủ tịch Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) bậc THCS - cho biết: "Trước khi tiến hành bỏ phiếu kín chọn SGK, ngoài việc nghiên cứu về các bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, chúng tôi cũng tham khảo kết quả đề xuất SGK lớp 6 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Trong đó, với những môn học như toán, ngữ văn, lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, công nghệ thì đa số các cơ sở đề xuất SGK thuộc bộ Chân trời sáng tạo với tỉ lệ rất cao (trên 70%).
Riêng môn tiếng Anh thì tỉ lệ đề xuất không chỉ rơi vào 1 bộ sách mà thuộc 3 bộ sách khác nhau. Kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng lựa chọn SGK cấp TP là trên 50% chọn 3 bộ sách đối với môn tiếng Anh, 2 bộ sách đối với môn giáo dục công dân, SGK môn tin học thuộc bộ sách Cánh diều, các môn còn lại thì đều thuộc bộ Chân trời sáng tạo".
Tương tự, ở bậc tiểu học, Sở GD-ĐT TP thông tin đa số các trường tiểu học đề xuất chọn lựa SGK thuộc bộ Chân trời sáng tạo với tỉ lệ trên 90%. Kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng lựa chọn SGK cấp TP cũng gần giống như đề xuất của các trường. Duy chỉ có môn tiếng Anh có 3 đầu sách đạt số phiếu trên 50% nên TP chọn cả 3. (H.HG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận