10/12/2015 00:10 GMT+7

​Đà Nẵng: Thu hút FDI sụt giảm

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm của TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 chỉ bằng khoảng hơn 50% so với giai đoạn trước từ năm 2006-2010.

Nguyên nhân sụt giảm?

Báo cáo từ UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã thu hút được 202 dự án FDI với tổng vốn cấp mới đạt hơn 646,6 triệu USD và 85 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm đạt hơn 706 triệu USD. Tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt 1.352,6 triệu USD.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 68,48% tổng vốn đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 27,8%. Các dự án đầu tư cấp mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí, logistics…

Tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2011-2015 chỉ bằng khoảng hơn 50% so với giai đoạn trước từ năm 2006-2010 (tổng vốn cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2006-2010 đạt hơn 2,4 tỉ USD).

Thực tế trên cho thấy vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 vẫn còn thấp so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, chưa xứng với tiềm năng của thành phố.

UBND TP. Đà Nẵng cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trên là do quy mô thị trường của Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung nhỏ bé so với các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước. Trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng chưa phát triển, thiếu lao động kỹ thuật và nhà quản lý giỏi. Đa số lao động có trình độ chuyên môn cao ở Đà Nẵng hiện đi tìm việc làm ở các nơi khác có thu nhập cao hơn, có nhiều khả năng tìm được việc làm phù hợp. Do đó, Đà Nẵng vẫn thiếu lao động lành nghề, lao động có trình độ cao, có ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân sự quản lý.

Các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân có trình độ tay nghề, nhất là trong lĩnh vực cơ khí-chế tạo và điện tử. Để đáp ứng yêu cầu công việc, các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại hoặc thuê lao động từ nơi khác đến. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc và làm tăng chi phí về lao động của các doanh nghiệp.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng mới chỉ ở giai đoạn đầu xây dựng, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa sẵn sàng cho nhà đầu tư triển khai dự án trong khi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao rất khó, kén chọn nhà đầu tư, đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư và xúc tiến đầu tư phù hợp trong thời gian dài.

Trong 6 khu công nghiệp đang hoạt động thì có 4 khu công nghiệp đã lấp đầy hơn 80% diện tích. Quỹ đất còn lại phân bố rải rác, manh mún, khó quy hoạch thành khu vực tập trung cho các dự án vừa và nhỏ. Quỹ đất ngoài khu công nghiệp để thu hút các dự án bệnh viện, trung tâm thương mại, trường học, logistics… thì hạn chế hoặc chưa được quy hoạch cụ thể nên nhà đầu tư thường mất nhiều thời gian chờ phản hồi. Trường hợp địa điểm đã được quy hoạch thì lại chưa có sẵn mặt bằng thuận lợi…

Chủ trương của thành phố là tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ giá trị gia tăng cao. Việc sàng lọc các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu cũng làm giảm cơ hội thu hút các dự án lớn nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI

Thời gian tới thành phố sẽ ưu tiên thu hút FDI vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành môi trường có nền công nghiệp phát triển.

Thành phố sẽ đổi mới công tác xúc tiến đầu tư với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo thành phố; có chiến lược tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các tập đoàn có năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến đồng thời với việc tăng cường thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào thành phố. Các thị trường trọng điểm gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và các nước Tây Âu.

Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép các dự án đầu tư, sử dụng hoặc đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạch tranh, làm chậm tốc độ phát triển và hội nhập kinh tế của thành phố.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ các dự án đã cấp phép hoạt động có hiệu quả; tập trung hỗ trợ các dự án tháo gỡ khó khăn vướng mắc để triển khai đúng tiến độ cam kết; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp