Phóng to |
Một phiên họp triển khai đề án của Ban Chỉ đạo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng - Ành: Website TP Đà Nẵng |
Ba người này được chu cấp bằng tiền ngân sách đi học ở nước ngoài nhưng không làm việc đúng như cam kết.
Ba học viên đó là Hồ Thị Như Mai (công tác tại khu công nghệ cao), Hà Thanh An (công tác tại Sở Ngoại vụ Đà Nẵng), Nguyễn Văn Lời (công tác tại Sở KH-CN Đà Nẵng).
Trước đó, học viên Mai và An được chọn đi đào tạo tại Anh, còn học viên Nguyễn Văn Lời đi đào tạo tại Úc. Chi phí học tập của ba học viên mà ngân sách TP Đà Nẵng đã bỏ ra là: học viên Lời có chi phí 2,38 tỉ đồng, học viên Mai 958 triệu đồng và học viên An 730 triệu đồng.
Nếu chiếu theo việc bồi thường gấp năm lần chi phí (theo hợp đồng) mà TP đã bỏ ra thì các học viên này phải trả tổng số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Trước đó, học viên Mai và An đã về công tác tại Đà Nẵng nhưng đến đầu năm 2013 thì Mai sang Anh theo chồng, An được học bổng khác nên cũng xuất cảnh. Riêng Lời đang là nghiên cứu sinh bị nhà trường phía Úc cho nghỉ học.
Trước tình hình này, tháng 6-2013 UBND TP Đà Nẵng đã chấm dứt việc tham gia đề án và đòi bồi thường kinh phí do các học viên trên vi phạm hợp đồng đào tạo.
Quyết định cũng yêu cầu Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực cao TP Đà Nẵng tiến hành các thủ tục khởi kiện ra tòa án dân sự nếu học viên và gia đình không chịu bồi thường.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến - phó giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, trong tháng 8 trung tâm sẽ có thông báo về số tiền bồi thường gửi đến các gia đình, nếu trong 120 ngày mà không nộp tiền sẽ khởi kiện ra tòa.
Chiều 30-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Phước Nga (cha học viên An) cho biết khi con gái ông tham gia đề án thì ông cùng con gái đứng tên ký kết hợp đồng. Sau đó, khi An tham gia học thạc sĩ thì chỉ mình An đứng tên trong hợp đồng. “Gia đình sẽ thương lượng với TP vì cháu đã làm việc ba năm rồi” - ông Nga nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chiến cho rằng: “Với trường hợp của học viên An, trong hợp đồng có tên người bảo hộ là phụ huynh nên sẽ chịu trách nhiệm. Với những học viên kia sẽ chiếu theo hợp đồng”. Tuy nhiên, các học viên kia hiện đều không ở VN.
Luật sư Đỗ Pháp - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - xác định đây là quan hệ dân sự, các bên thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trên nguyên tắc tuân thủ hợp đồng đã ký kết. Sẽ có hai tình huống: Thứ nhất, các học viên đã ra nước ngoài, nếu không tìm được nơi cư trú của bị đơn thì phải tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện. Thứ hai, tòa sẽ đưa giấy triệu tập cho gia đình, địa phương ký xác nhận để chuyển đến bị đơn. Nếu bị đơn vắng mặt hai lần, tòa sẽ xử vắng mặt bị đơn.
Điều khoản bồi thường Theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, hợp đồng được ký kết gồm có hợp đồng bậc ĐH và sau ĐH. Đối với hợp đồng bậc ĐH, học viên sẽ có người giám hộ cùng tham gia ký kết, gồm bảy điều với các nội dung về chương trình đào tạo, kết quả học tập, kinh phí, quyền và trách nhiệm của các bên. Trong đó, điều 6 về việc xử lý vi phạm hợp đồng được nêu: Học viên bị đuổi ra khỏi đề án phải bồi thường gấp năm lần toàn bộ kinh phí đã được nhận từ ngân sách TP nếu tự ý bỏ học hoặc bị cơ sở đào tạo buộc thôi học, đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thực hiện nghĩa vụ làm đủ thời gian cho TP bảy năm. Thời hạn học viên và gia đình bồi thường hoặc hoàn trả kinh phí cho TP tối đa là 120 ngày. Nếu sau 30 ngày kể từ ngày bắt đầu đàm phán mà các bên chưa giải quyết được các tranh chấp, một trong hai bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận