Xe cộ chết máy nằm la liệt trên đường phố Đà Nẵng sau đợt ngập lịch sử ngày 14-10 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đợt mưa lịch sử ngày 14-10 đã làm bộc lộ ra nhiều vấn đề về hệ thống thoát nước tại Đà Nẵng, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và thảo luận của các đại biểu tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng chiều 13-12.
Thời gian qua thành phố đã đầu tư nhiều dự án thoát nước đô thị với kinh phí lớn, hơn 13.300 tỉ đồng. Nhiều đại biểu cho rằng với lượng mưa ở mức độ lớn (không phải quá đặc biệt như vừa rồi) thì năng lực thoát nước thành phố vẫn đảm bảo. Tuy vậy, trận ngập ngày 14-10 cho thấy năng lực thoát nước của thành phố đang bị yếu thế trước biến đổi khí hậu khó lường.
Theo ông Nguyễn Thành Tiến - trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng, cần phải thay đổi tư duy, cách đánh giá năng lực hệ thống thoát nước thành phố, đặc biệt là cập nhật các diễn biến tích hợp các hiện tượng như triều cường, lượng mưa lớn, thủy điện xả lũ… Khi các hiện tượng này diễn ra cùng lúc, ập vào, điểm tiếp nhận tiêu nước là vùng đô thị ven biển, ven sông sẽ phải đối diện nguy cơ ngập sâu.
Ông Tiến đề xuất các giải pháp trước mắt là thực hiện khơi thông, nạo vét bùn, đất đang vùi lấp do hậu quả của đợt ngập vừa qua.
Về lâu dài, cần lập bản đồ ngập úng toàn thành phố, qua đó phải xác định từng khu vực ngập, ứng với từng cấp độ mưa, triều cường… để làm cơ sở quản lý, dự báo, cảnh báo sớm.
"Khi có bản đồ thì có thể tính toán với lượng mưa này, thời gian này, khu vực nào sẽ ngập ở mức độ bao nhiêu, sau đó tuyên truyền cho người dân được biết để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại", ông Tiến nói.
Về hạ tầng, bên cạnh việc sớm hoàn thiện các dự án cống thoát nước chính, đấu nối vào hệ thống thoát nước chung đô thị, thì phải tính toán phân lưu lượng nước lại cho các tuyến cống chính.
Các vị trí thường xuyên bị ngập nặng vừa qua như tuyến thoát nước từ sân bay qua kiệt 96 Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) cần chia sẻ bớt nước qua tuyến cống đường Lê Độ để thoát về biển. Tương tự, tuyến từ hồ Thạc Gián ra Nguyễn Tất Thành, đến Lý Thái Tổ phải phân lưu chia sẻ bớt về tuyến Hoàng Hoa Thám để chuyển nước về tuyến Hải Phòng - Ông Ích Khiêm.
"Một việc quan trọng mà tôi cho rằng cần phải làm được để dân bớt nỗi lo ngập nước là việc nạo vét cống. Các cấp từ thành phố, quận, phường cần phải có kế hoạch, công khai, minh bạch và phải được nhân dân giám sát. Làm chặt chẽ chứ cống do cấp phường tổ chức nạo vét xong mà cống cấp quận, cấp thành phố chưa làm đồng bộ thì sẽ ảnh hưởng", ông Tiến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận