19/12/2018 09:12 GMT+7

Đà Nẵng lại 'nóng' chuyện khoán xe công, ngập nước

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ngày 18-12, phiên thảo luận và chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng diễn ra sôi nổi xoay quanh chuyện ngập nước, khoán xe công, doanh nghiệp “xù” bảo hiểm xã hội.

Đà Nẵng lại nóng chuyện khoán xe công, ngập nước - Ảnh 1.

Cứu hộ ôtô chết máy vì ngập nước trên đường Hàm Nghi, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Đại biểu Phan Thanh Long, trưởng Ban pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, đặt vấn đề về việc khoán xe công theo định mức, tiêu chuẩn đã có quy định của Chính phủ và nhiều địa phương khác đã thực hiện, trong khi Đà Nẵng lại chưa.

Sẽ khoán xe công vào quý 2-2019

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng, cho biết hiện cả nước có 20 đơn vị thuộc các bộ ngành, tỉnh, TP thực hiện thí điểm khoán xe công, chứ chưa triển khai đồng loạt. Qua thí điểm, hiện nay vẫn chưa đánh giá về hiệu quả của việc này. 

"Hiện nay, cả TP Đà Nẵng có 499 xe công, đã xây dựng đề án khoán xe đối với 24 đơn vị làm việc ở trung tâm hành chính TP và tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị. Nhưng trong quá trình thực hiện có vướng mắc bởi Luật quản lý tài sản công và các nghị định khác. 

Theo tôi được biết, Bộ Tài chính sẽ họp để ban hành nghị định mới và dự kiến trong quý 2-2019 TP Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện".

Nói thêm về vấn đề khoán xe, ông Nguyễn Nho Trung, chủ tịch HĐND TP, cho rằng trong công tác quản lý chi tiêu tài chính có nhiều việc ở Đà Nẵng chưa thực hiện tiết kiệm. 

Ông Trung đề nghị Sở Tài chính sớm xây dựng hoàn tất đề án khoán xe công, để khi có nghị định mới của trung ương thì đưa vào thực hiện ngay.

Nơi không ngập lại có máy bơm

Trước đó, trong sáng 18-12, khi đề cập trận ngập lụt do mưa lớn gần đây, ông Nguyễn Thành Tiến, trưởng Ban đô thị HĐND TP, cho rằng hệ thống thoát nước đô thị TP hiện nay có biểu hiện lạc hậu, mà một trong những nguyên nhân là chưa dự báo được sự phát triển của đô thị. 

Bên cạnh đó là các nguyên nhân như số lượng hồ điều tiết trong TP từ 42 hồ còn 30 hồ, công tác duy tu, nạo vét cống rãnh chưa tốt...

Từ những nguyên nhân trên, theo ông Tiến, cần quy hoạch cụ thể về diện tích hồ điều tiết để giải quyết bài toán thoát nước ở từng khu dân cư; 

Xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cho hệ thống thoát nước, kiểm soát việc xả thải thi công phần móng của các công trình xây dựng, có lộ trình thay thế đồng bộ các cửa thu nước kết hợp công tác tuyên truyền để không còn tình trạng rác thải gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.

Liên quan đến vấn đề thoát nước đô thị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cho rằng việc mưa quá lớn gây ngập úng là điều không tránh khỏi. 

Tuy nhiên, chủ tịch HĐND TP cũng chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ việc chưa bảo đảm tính đồng bộ, như chỗ có máy bơm thì không có nước ngập, chỗ ngập lại không có máy bơm; mùa nắng lo làm thủ tục, mùa mưa đem ra thi công cũng là nguyên nhân dẫn đến ngập úng. 

"Liệu ta đã sử dụng hiệu quả 83 tỉ đồng ngân sách để nạo vét hệ thống thoát nước mỗi năm?" - ông đặt câu hỏi.

Xử mạnh tay nạn "xù" bảo hiểm

Đã có tình trạng chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, "xù" hơn 12 tỉ đồng bảo hiểm và chế độ thai sản của công nhân. Thông tin này được bà Đặng Thị Kim Liên - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng - cho biết. 

Bà Liên cảnh báo tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở TP này. Tính đến cuối tháng 10-2018, TP Đà Nẵng có tới 1.433 doanh nghiệp nợ BHXH của hơn 10.000 lao động từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 180 tỉ đồng.

Theo bà Liên, TP cần có biện pháp mạnh tay xử lý tình trạng nợ BHXH kéo dài để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động. 

"Không để xảy ra tình trạng như Công ty TNHH một thành viên TBO VINA (100% vốn nước ngoài ở Khu công nghiệp Hòa Khánh) nợ bảo hiểm của người lao động hơn 12 tỉ đồng. Chủ doanh nghiệp bỏ về nước, đẩy gần 500 công nhân vào thế không việc làm, không bảo hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng an ninh trật tự" - bà Liên cảnh báo.

Đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết (chánh Văn phòng Thành ủy) cho biết thêm: trong số 1.433 đơn vị nợ nêu trên có gần 1.000 doanh nghiệp, đơn vị đã giải thể, cá biệt có đơn vị nợ BHXH tới... 88 tháng. 

Ông Triết đề xuất TP thành lập đoàn thanh tra tình hình nợ BHXH để sàng lọc, phân loại các nhóm vi phạm nhằm có cơ chế kiểm soát. 

"Đối với doanh nghiệp trốn 3 tháng trở lên, BHXH TP phải chủ động báo cơ quan công an để thực hiện cấm xuất cảnh. Nợ 6 tháng trở lên cần gửi hồ sơ qua công an để khởi tố theo luật" - ông Triết đề xuất hướng xử lý.

Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực, bà Phan Thị Thúy Linh, giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ra văn bản phân công trách nhiệm trong việc xử lý nợ BHXH. 

Đồng thời đã thành lập đoàn thanh tra các doanh nghiệp kết hợp tuyên truyền pháp luật lao động.

Đà Nẵng: Đầu tư khu công nghiệp 700 tỉ, thu về 400 tỉ đồng

TTO - Đây là vấn đề được ông Nguyễn Nho Trung, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đặt ra với lãnh đạo Sở Công thương khi nói về hiệu quả triển khai các khu công nghiệp trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 18-12.

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp