Ngày 20-5 TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo khởi động dự án tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Dự án do tổ chức JICA tài trợ với tổng mức đầu tư tương đương 500.000 USD.
Cùng với dự án này, TP. Đà Nẵng sẽ được JICA tài trợ xây hoạt động tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng theo mô hình và kinh nghiệm thực tế từ thị trấn Chikujo, Nhật Bản.
Dự án này sẽ bao gồm những hoạt động: xây dựng nhà máy thử nghiệm sản xuất phân bón lỏng ở Cẩm Lệ; đào tạo kỹ thuật cho việc vận hành máy, huấn luyện kỹ thuật phân tích thành phần của phân bón lỏng và thiết kế phân bón; ứng dụng trên nông nghiệp nhằm thể hiện tính hiệu quả của phun phân hóa lỏng; thúc đẩy nhận thức của công dân có liên quan đến hệ thống tuần hoàn sinh khối thông qua giáo dục môi trường; tham gia vào đào tạo thực tế tại Nhật Bản.
Dự án sẽ giúp hỗ trợ người nông dân thông qua việc chuyển hóa chất thải nhà vệ sinh thành phân bón lỏng phục vụ nông nghiệp với giá rẻ hơn. Ngoài ra, dự án còn giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do các kênh tưới tiêu đặt bên dưới công trình xử lý chất thải nhà vệ sinh gây ra.
Để dự án khởi động, trước đó năm 2014, TP. Đà Nẵng đã hợp tác với các đối tác Nhật Bản xây dựng đề án “tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch”, đến tháng 8-2014 dự án được sự chấp thuận tài trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA.
Ông Hisami Arakawa, Thị trưởng thị trấn Chikujo cho biết từ năm 1994, thị trấn Chikujo đã đưa nhà máy tái chế rác thải sinh hoạt thành phân bón dạng lỏng và kết quả đã rất thành công.
Kết quả đã tạo ra một thị trấn sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo môi trường bền vững, hài hòa giữa yếu tố phát triển và bảo tồn. Dựa trên kinh nghiệm 20 năm đã có, thị trấn Chikujo sẽ giúp Đà Nẵng tìm được các giải pháp phù hợp có hiệu quả nhất.
Việc xử lý chất thải sinh hoạt của Đà Nẵng hiện nay chưa bắt kịp với tốc độ phát triển dân số đô thị. Hiện, có gần 90 tấn rác thải được thu gom mỗi ngày tại các hộ dân, văn phòng và các cơ sở công cộng.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đô thị cũng gặp không ít khó khăn khi nông dân sản xuất lúc theo mùa vụ có thu nhập khá thấp, do phải dành từ 10-20% doanh thu từ việc bán lúa để mua phân bón hóa học.
Chính vì vậy, TP. Đà Nẵng rất khuyến khích các dự án với các đối tác quốc tế nhằm tái chế chất thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ thông qua công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường sau đó sử dụng phân bón này cho sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp cần thiết và hữu ích không chỉ cho người nông dân mà cho toàn dân cư sống ở đô thị.
Cũng tại buổi khởi động dự án, các đối tác là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ thị trấn Chikujo, Đại học Saga, Đại học Kyushu, Công ty giải pháp môi trường Nhật Bản đã trình bày phương pháp, công nghệ và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tái chế chất thải thành phân bón phục vụ nông nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận