25/08/2004 05:00 GMT+7

Đà Nẵng: công viên 29-3 của ai?

K.EM - Đ.NAM
K.EM - Đ.NAM

TT - Với diện tích hơn 20ha, độ che phủ lớn, công viên 29-3 được xem là điểm sinh hoạt công cộng lý tưởng nhất của người dân Đà Nẵng.

RdzKElYq.jpgPhóng to
Một trong hai cổng chính công viên 29-3 luôn đóng cửa ngày lẫn đêm

Thế nhưng trên thực tế công viên này đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, và đặc biệt là nạn “xẻ thịt” lấy đất làm nhà hàng, kinh doanh và mở showroom.

Công viên ô nhiễm...

Có một điều khiến nhiều người dân Đà Nẵng cảm thấy bức xúc, đó là những cánh cửa của công viên 29-3 chưa bao giờ rộng mở một cách “hào phóng” để người dân thành phố đến sinh hoạt, thưởng ngoạn. Người ta cũng ít thấy những thiết bị phục vụ các em thiếu nhi vui chơi tại đây “lăn bánh” ngoại trừ những ngày lễ, tết...

Ở đây, buổi sáng công viên được dùng làm sân tập thể dục cho người dân quanh khu vực, thời gian còn lại công viên gần như dành hẳn cho những đôi tình nhân. Nếu tính hết cả công viên với khoảng 100 chiếc ghế đá thì mỗi ngày có tương đương chừng ấy cặp tình nhân tìm đến “đặt chỗ” từ sáng sớm.

“Nếu lỡ vào công viên 29-3 trong những ngày nắng nóng này mới thấy giá trị đích thực của chiếc khẩu trang”, một người dân sống gần đó đã nói với chúng tôi một cách bức xúc. Qua thực tế cho thấy lòng hồ với gần 11ha nằm giữa công viên nổi lên một màu nước đen xì cùng với bầu không khí ngột ngạt đến khó thở.

Người ta ước tính ở dưới đó có không dưới 100.000m3 bùn bẩn ứ đọng trong gần 20 năm qua. Quanh khu vực hồ còn có đến bảy hệ thống cống nước thải xả trực tiếp từ các khu dân cư nên vào mùa nóng thì công viên 29-3 hôi thối kinh khủng.

Ông Nguyễn Văn Bảo - phó giám đốc Công ty Công viên Đà Nẵng - cho rằng từ ngày thành lập đến nay, cả công viên chỉ được đầu tư 4,5 tỉ đồng để tôn tạo, chỉnh trang hạ tầng. Hạ tầng yếu kém, không có trò chơi mới lạ, không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Đây chính là lý do khiến người dân thành phố ít đến với công viên.

Và công viên của ai?

Bởi lẽ công viên 29-3 đang bị bao bọc xung quanh bởi một hệ thống nhà hàng, vũ trường, trụ sở công ty TNHH lẫn các câu lạc bộ bida, showroom. “Hoành tráng” nhất có lẽ là nhà hàng Trùng Dương I và II thuộc Công ty TNHH Việt Thắng quản lý. Tại đây sau khi thuê mặt bằng với Công ty Công viên Đà Nẵng, chủ nhân của công ty này đã xây dựng ba nhà hàng nổi ngay trên hồ, khiến mặt hồ bị biến dạng.

Bác Trịnh Quang (tổ 52, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết từ ngày các nhà hàng này mọc lên, việc đi lại trong công viên trở nên khó khăn. Bởi đây là khu vực kinh doanh nên người dân không được phép qua lại. Các nhà hàng dùng hàng trăm mét lưới thép B40 rào kéo chằng chịt nhằm phân biệt khu vực nhà hàng với công viên. Tại đó người ta thiết kế một lỗ nhỏ đủ cho một người chui lọt, và tất nhiên lỗ chui này chỉ dành cho nhân viên nhà hàng. Đặc biệt trong khu vực này còn có sự hiện diện của Công ty TNHH Ngọc Lân với bảng hiệu ghi rõ “Chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng xuất nhập khẩu”.

Cũng như Trùng Dương, các nhà hàng khác như Thùy Dương, Hướng Dương đang chiếm một diện tích không nhỏ trong công viên để kinh doanh ăn uống. Khác với cổng chính của công viên luôn đóng im ỉm, tại đây cửa các nhà hàng luôn rộng mở để thực khách có thể dong thẳng xe vào khu vực bên trong. Còn ở phía mặt đường Điện Biên Phủ đối diện siêu thị Đà Nẵng được Công ty Công viên Đà Nẵng cho một số đơn vị bên ngoài thuê để kinh doanh như Công ty TNHH Thịnh Hưng thuê làm showroom giới thiệu xe Suzuki, một tư nhân mở câu lạc bộ bida. Diện tích mặt tiền còn lại thì đơn vị chủ quản đứng ra mở các dịch vụ như chụp ảnh, cà phê giải khát...

K.EM - Đ.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp