10/12/2018 08:59 GMT+7

Đà Nẵng chỉ chịu nổi mưa 100mm?

HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG - VIỆT HÙNG
HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG - VIỆT HÙNG

TTO - Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thừa nhận hệ thống thoát nước hiện chỉ có thể đáp ứng lượng mưa tầm 100mm nên với trận mưa lớn như vậy không thể thu gom, thoát kịp dù nước từ hệ thống xả này chủ yếu thoát ra sông, biển.

Đà Nẵng chỉ chịu nổi mưa 100mm? - Ảnh 1.

Mưa lớn khiến tường rào của Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng bị sập - Ảnh: Đoàn Cường

Sáng 9-12, khắp TP bị nước bủa vây, nhiều tuyến phố phải căng dây phong tỏa cảnh báo người dân.

Trên các tuyến đường Hàm Nghi, Phan Đăng Lưu, Núi Thành, Tống Phước Phổ... nhiều xe hơi ngập gần tới trần trong nước lớn. Trong đó, điểm ngập nặng nhất phải kể đến là đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu.

Lỗi ở quy hoạch đô thị và rác thải

Lý giải nguyên nhân Đà Nẵng ngập nặng nề, đại diện Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết do lượng mưa quá lớn, lại kéo dài nên dù các cửa xả đã hoạt động hết công suất cũng không thể xử lý kịp.

Ngoài ra, khi đi kiểm tra thực tế tại các cống nước khu vực bị ngập thì đều bị rác, thậm chí có cả mền, mùng bịt kín khiến nước không thể tiêu thoát được.

Trong khi đó, ông Mai Mã - giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng - thừa nhận hệ thống thoát nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng lượng mưa tầm 100mm nên với trận mưa lớn hiếm có như vừa xảy ra thì không thể thu gom, thoát kịp.

Cũng theo ông Mã, nước từ hệ thống xả này chủ yếu thoát ra sông và ra biển. Tuy nhiên, do nước lớn nên cửa xả biển Mỹ An đã bị phá gây sạt lở.

Báo cáo chuyên đề về đô thị của Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng mới đây cho rằng công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng thời gian qua được đánh giá là "bài bản". Tuy nhiên, đến thời điểm này nó đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Theo báo cáo giám sát của Ban đô thị, các hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng qua các thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh đồng bộ; nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp, thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Nhiều dự án khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo cùng với việc san lấp ao hồ gây nên tình trạng ngập úng cục bộ.

Nhiều đồ án được điều chỉnh quy hoạch khiến hiện nay chỉ còn 30 hồ trong khi trước đây có 42 hồ nằm rải rác trên địa bàn 7 quận huyện với tổng diện tích nước mặt khoảng 1,8 triệu m2, dung tích chứa tối đa khoảng 3,3 triệu m3.

Kiến trúc sư Bùi Huy Trí, trưởng Phòng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng), cho rằng xảy ra tình trạng ngập úng như hiện nay có nguyên nhân do không gian thoát nước ở các hồ điều tiết, vùng đệm thoát nước bị mất vì bị san lấp bởi quá trình phát triển đô thị.

"Trong quy hoạch không gian đô thị cần hạn chế bêtông hóa bằng nhiều giải pháp để tăng khả năng thoát nước mặt" - kiến trúc sư Trí nhận định.

Đà Nẵng chỉ chịu nổi mưa 100mm? - Ảnh 2.

Đường phố Đà Nẵng biến thành sông, nhiều bạn trẻ mang thuyền kayak xuống đường chèo - Ảnh: TẤN LỰC

Cảnh báo ngập lụt trên diện rộng

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, các quận của Đà Nẵng đã có mưa rất to với lượng mưa đo được từ 3h-7h sáng 9-12 phổ biến ở mức 300-400mm, đặc biệt lượng mưa đo được tại đường Trưng Nữ Vương lên đến 436,6mm.

Dự báo Đà Nẵng còn mưa rất to trong vài ngày tới, cảnh báo ngập lụt trên diện rộng.

Đi kiểm tra thực tế tình hình mưa ngập vào sáng cùng ngày, ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng huy động công nhân, máy móc thiết bị của đơn vị thi công dự án đào một tuyến kênh để dẫn nước mưa về cửa thoát ở khu Đảo Xanh thoát ra sông Hàn.

Đồng thời, khơi thông cửa thu các cống dọc các tuyến đường lớn để thoát nước nhanh hơn, dù trời còn mưa cũng phải làm ngay.

Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu trước mắt Công ty Thoát nước và xử lý nước thải bố trí nhân lực, phương tiện khơi thông các cửa thu nước trên mặt đường, các tuyến cống chính, vận hành kịp thời các cửa xả ven biển, ven sông... góp phần hạn chế tình trạng ngập úng tại khu vực.

Giao các ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu đào dẫn dòng, phá dỡ đê quai nhằm đảm bảo thoát nước tạm tại các công trình đang thi công dở dang; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, không để xảy ra tình trạng lở, sụp đổ công trình đang thi công.

Sau trận mưa lớn từ tối 8-12 đến rạng sáng 9-12, cả TP Đà Nẵng chìm trong biển nước. Điều kỳ lạ này diễn ra có vẻ nghịch lý với một TP ven sông, sát biển như Đà Nẵng.

Mưa lớn cũng khiến đường sắt bị ảnh hưởng. Đoàn tàu SE3 với hơn 130 khách phải nằm lại ga Đà Nẵng để chờ khắc phục sự cố sạt lở đoạn đường ray tại khu vực quận Cẩm Lệ. Hai tàu SE9, 10 không thể di chuyển qua điểm sạt lở nên phải hoán đổi hành khách để tiếp tục hành trình.

Chưa kể có ít nhất 4 chuyến bay đã không thể hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng sáng 9-12 do trời mưa to nên có 2 chuyến hạ cánh xuống sân bay Phú Bài, 2 chuyến hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh.

Cứu 5 người bị kẹt trong nhà ngập sâu giữa đêm ở Đà Nẵng

TTO - Khuya 9-12 mưa lớn, mực nước tại Đà Nẵng tiếp tục dâng cao khiến hai gia đình gồm 5 người bị ngập sâu, lực lượng chức năng đã dùng phao bè tiếp cận phá cửa giải cứu.

HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp