TP Đà Nẵng đã cho phép Công ty TNHH Tín Thịnh nhận chuyển nhượng dự án từ Công ty TNHH Nha Trang Foods - Ảnh: V.Hùng |
Theo ông Phạm Việt Hùng, trưởng Ban quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng, trong các KCN hiện vẫn còn một số dự án vi phạm quy định về sử dụng đất, cho thuê nhà xưởng và xây dựng trái phép.
Lập dự án để lấy đất cho thuê
Theo báo cáo của ban quản lý, tại KCN Hòa Khánh có quy mô lớn nhất với diện tích 430ha và số lượng dự án dẫn đầu các KCN là 167 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất. Nhưng qua kiểm tra hiện có đến gần 100 doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không có năng lực sản xuất, để đất trống năm này qua năm khác, chưa xây dựng nhà xưởng...
Các doanh nghiệp không triển khai dự án hoặc ì ạch đã khiến hàng trăm hecta đất bỏ trống, nhưng không thể thu hồi để cấp cho nhà đầu tư khác có nhu cầu.
Rà soát 17 dự án có đất trống, nhà xưởng dư thừa tại các KCN mới đây, cơ quan chức năng phát hiện có đến 15 dự án cho thuê nhà xưởng, như doanh nghiệp KTL không triển khai dự án theo giấy phép mà cho thuê toàn bộ nhà xưởng làm dịch vụ đóng gói, vận chuyển. Còn công ty TV sử dụng đất làm kho trung chuyển và cho thuê nhà xưởng khi chưa được phép.
Thống kê cũng cho thấy có trên 50 dự án ở các KCN đã cho các doanh nghiệp khác thuê lại nhà xưởng, 9 doanh nghiệp đang có nhu cầu chuyển nhượng dự án và tài sản trên đất, một số doanh nghiệp không còn hoạt động, chưa xây dựng nhà xưởng.
Theo ông Hùng, trước đây khi kêu gọi đầu tư, TP ưu đãi nhiều nhưng thiếu chọn lọc các nhà đầu tư có năng lực nên mới xảy ra tình trạng này.
Một số dự án tận dụng ưu đãi thuê đất giá rẻ (4.200 đồng/m2/năm), lại được miễn giảm tiền thuê 13 năm nên đã đem cho thuê lại đất. Một số doanh nghiệp “lách” bằng cách lập dự án sản xuất để thuê đất, nhưng không triển khai dự án, sau đó chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà xưởng để thu lợi.
“Tình trạng này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ô nhiễm, nhếch nhác, thất thu ngân sách và không công bằng trong tiếp cận đất đai từ các doanh nghiệp” - ông Hùng nói.
Cho phép chuyển nhượng dự án
Trước tình trạng một số doanh nghiệp nợ tiền thuê đất nhưng giờ “chết lâm sàng”, ông Phạm Việt Hùng cho biết TP đã có chủ trương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thu hồi nợ tiền đất nhà nước.
Theo đó, TP đồng ý cho doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản trên đất thuê, từ 2-6 tháng nếu không tìm được đối tác để chuyển nhượng thì ban quản lý sẽ thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án và thanh lý dự án theo quy định.
Để giải quyết tình trạng các doanh nghiệp không sản xuất mà chiếm đất để cho thuê nhà xưởng ở các KCN, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đồng ý cho các dự án này chuyển nhượng nhưng không làm thay đổi mục tiêu của dự án, nghĩa là theo đúng ngành nghề, lĩnh vực đăng ký. Nếu dự án không có khả năng tiếp tục thực hiện, sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án.
Những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, muốn liên doanh, liên kết nhưng không tìm được đối tác, tổ liên ngành định giá tài sản dự án sẽ kêu gọi nhà đầu tư khác có nhu cầu thuê lại đất làm dự án mới và hỗ trợ tài sản trên đất cho chủ đầu tư cũ. Nếu dự án ngừng hoạt động nhưng tài sản đã thế chấp, TP giao cơ quan chức năng làm việc với chủ đầu tư, chủ nợ dự án để xử lý việc thu hồi nợ, chấm dứt hợp đồng thuê đất.
Theo ông Hùng, dù cho phép dự án có nhu cầu chuyển nhượng tài sản gắn liền trên đất nhưng trong 90 ngày kể từ lúc có văn bản đồng ý, nếu chủ dự án không tìm được người nhận chuyển nhượng thì ban quản lý thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động dự án.
Đối với dự án cho thuê nhà xưởng, nếu dự án cho thuê có phép thì tăng đơn giá thuê lại đất lên 30%.
“Trường hợp dự án cho thuê nhà xưởng trái phép, không phép, không đúng quy hoạch sản xuất trong KCN sẽ xem xét để có phương án tăng giá thuê đất lên 30% hoặc dừng việc cho thuê” - ông khẳng định.
Giá thuê đất thấp, doanh nghiệp vẫn nợ Ông Phạm Việt Hùng, trưởng Ban quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng, cho biết dù giá cho thuê đất trước đây ở mức thấp, nhưng có 22 doanh nghiệp cũng nợ tiền thuê đất và sử dụng hạ tầng gần 40 tỉ đồng. Theo ông Hùng, các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, hạ tầng lại nợ tiền thuế, nợ ngân hàng... nên giờ lâm vào cảnh hết sức khó khăn, có doanh nghiệp giải thể nên việc thu hồi tiền thuê đất rất nan giải. Chẳng hạn, doanh nghiệp sản xuất sắt Thanh Tín còn nợ tiền thuê đất, hạ tầng hơn 1 tỉ đồng nhưng mất khả năng thanh toán, ngân hàng đang khởi kiện ra tòa. Còn Công ty TNHH Thành Phước nợ hơn 448,6 triệu đồng nhưng hiện sản xuất cầm chừng, không có khả năng trả nợ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận