Ông Bùi Thanh Thuận - phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng - cho biết tại cuộc họp rà soát tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn ngày 27-2-2017, UBND TP đã giao Sở GTVT Đà Nẵng làm việc với Sở GTVT Quảng Nam để thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá theo hướng các tuyến xe buýt liền kề (đi các tuyến giữa Đà Nẵng và Quảng Nam) không đi vào trung tâm Đà Nẵng, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định trong tháng 3-2017.
Theo ông Thuận, việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá là đã có ý kiến chỉ đạo triển khai thực hiện và có trong quy hoạch từ năm 2012, các doanh nghiệp tham gia trên tuyến phải chủ động tổ chức kinh doanh cho phù hợp với quy hoạch chung của TP.
Sau đó, các doanh nghiệp xe buýt của Đà Nẵng, Quảng Nam đã cùng ký đơn gửi Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng xin giữ lại nguyên lộ trình xe buýt không trợ giá sau khi UBND TP Đà Nẵng có chủ trương điều chỉnh như vậy.
Ông Đinh Văn Ba - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Đà Nẵng - cho biết: “Việc điều chỉnh như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân bởi xe buýt phải đỗ ngoài trung tâm, người dân sẽ phải sang xe trung chuyển vào trung tâm TP thêm một chặng, sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng cuộc sống của gần 200 lao động của các doanh nghiệp xe buýt”.
Ông Lê Văn Sinh - phó giám đốc Sở GTVT Quảng Nam - cho rằng chủ trương như vậy sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
“Nếu đưa các tuyến xe buýt này ra ngoài trung tâm TP thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, gây trở ngại cho người dân đi lại. Phải có lộ trình để doanh nghiệp sắp xếp lại” - ông Sinh nói.
Ông Lê Trí Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết trước đây Đà Nẵng cũng có cảnh báo các tuyến xe buýt không được vào TP nữa, để dành cho các tuyến xe buýt bên trong TP.
Nhưng khi Đà Nẵng có phương án điều chỉnh lộ trình xe buýt này thì không lấy ý kiến phía tỉnh Quảng Nam, trong khi lượng khách đi lại bằng tuyến xe buýt liền kế không trợ giá này lớn, có 5 tuyến với 8.000 lượt khách/ngày. Dừng đột ngột như vậy sẽ gây khó cho việc đi lại của người dân, cán bộ của 2 địa phương.
“Cần xem xét việc giãn thời gian thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải” - ông Thanh nói.
Hiệp hội Vận tải ôtô Đà Nẵng cũng cho rằng chủ trương điều chỉnh này có sự phân biệt trong quản lý nhà nước đối với 2 loại hình xe buýt trên cùng địa bàn theo hướng khó khăn cho loại hình này và tạo thuận lợi cho loại hình kia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận