Thành phố Đà Nẵng về đêm - Ảnh: Tấn Lực |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Công Chánh, phó Ban tổ chức Thành ủy kiêm giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nói: “Cái gì không hiệu quả thì nên bỏ đi.”
Ông Chánh nói: Trước đây thỉnh thoảng chúng tôi cũng có rà soát, đề xuất bớt các ban chỉ đạo, hội đồng nhưng thực tế không làm được bao nhiêu vì không phải ngành nào cũng ủng hộ, cũng quyết tâm làm. Còn lần này chắc chắn sẽ làm quyết liệt, dứt điểm bởi lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đưa ra thông điệp quyết tâm sớm bỏ các ban chỉ đạo, hội đồng không cần thiết.
Ông Võ Công Chánh, phó trưởng Ban tổ chức Thành ủy kiêm giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng |
Thay đổi để hiệu quả hơn
* Thưa ông, lâu nay ở trung ương có ban chỉ đạo, hội đồng gì thì địa phương cũng lập ra y hệt như vậy. Bây giờ Đà Nẵng quyết tâm xóa các ban chỉ đạo có gặp khó khăn gì không?
- Đúng là có chuyện đó nhưng cũng rất nhiều ban chỉ đạo, hội đồng trung ương không bắt buộc phải có ở địa phương mà do các ngành của TP đề xuất thành lập.
Chúng ta thấy khi cơ quan nhà nước ban hành một cơ chế, chính sách mới thường kèm theo một ban chỉ đạo, hội đồng nên dẫn đến lạm phát ban chỉ đạo, hội đồng.
Quan điểm của lãnh đạo TP Đà Nẵng hiện nay là chỉ giữ lại các ban chỉ đạo, hội đồng đã được luật định trong văn bản của trung ương hoặc có vai trò trực tiếp phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan Đảng, đoàn thể hoặc đang thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của TP, còn lại bỏ và giao cho các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm.
* Việc Đà Nẵng bớt các ban chỉ đạo, hội đồng có thể coi là việc làm đổi mới, khá nhạy cảm bởi các tỉnh thành khác hiện vẫn đang giữ nguyên?
- Việc bớt các ban chỉ đạo, hội đồng chả có gì là nhạy cảm cả. Ngoài ra, chúng ta phải thừa nhận và nói thẳng với nhau rằng cũng có ban chỉ đạo, hội đồng hoạt động hiệu quả nhưng có nhiều ban chỉ đạo, hội đồng mang tính hình thức, hội họp là chính, giải quyết chuyên môn không đáng kể.
Cái gì không hiệu quả thì chúng ta bỏ đi, bỏ đi không có nghĩa là không làm mà làm cách khác hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn.
Hết đổ trách nhiệm cho tập thể
* Thực trạng lập quá nhiều ban chỉ đạo, hội đồng lâu nay có phải gây ra tình trạng lãng phí cả thời gian và tiền bạc, trách nhiệm chung chung, không quy được ai chịu trách nhiệm cụ thể khi xảy ra vụ việc gì?
- Đúng như vậy. Mới nhìn vào thì nghĩ việc giải thể ban chỉ đạo, hội đồng cũng bình thường thôi vì không như giải thể một cơ quan, đơn vị còn liên quan đến chính sách cán bộ, tâm tư, tình cảm, đời sống và gia đình của mỗi con người… Nhưng nếu nhìn sâu xa, có rất nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế làm việc này.
Thứ nhất là tất cả cơ quan và lĩnh vực quản lý đều đã được lập quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý sao phải có thêm ban chỉ đạo, hội đồng vốn chỉ là khâu tư vấn, không có địa vị pháp lý nào.
Điều này vô tình làm giảm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và năng lực pháp chế bộ máy hành chính, làm cho trách nhiệm quyết sách rất chung chung, không rõ ràng, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm qua các ban chỉ đạo, hội đồng này.
Thứ hai là sự lãng phí nguồn lực công rất lớn vì hầu hết thành viên của ban chỉ đạo, hội đồng là lãnh đạo của TP và lãnh đạo các ngành, địa phương.
Với cả trăm ban chỉ đạo, hội đồng như hiện nay thì chỉ tính việc họp đã chiếm hết quỹ thời gian nghiên cứu tài liệu, đi kiểm tra thực tế, nắm tình hình cơ sở, đối thoại chính sách, tiếp xúc và giải quyết công việc của dân….
Đó là chưa nói đến kinh phí phục vụ cho các ban chỉ đạo, hội đồng, rồi hiệu quả thực chất đến đâu.
Có một hiện tượng chung là nội dung làm việc của các ban, chỉ đạo chủ yếu do cơ quan thường trực chuẩn bị, các thành viên mỗi năm một hay hai lần đến nghe rồi thống nhất ra về, như thế rất hình thức, rất lãng phí.
Bản thân tôi thấy nhiều khi dự họp mà chẳng hiểu để làm gì vì có những việc các cơ quan chuyên môn hoàn toàn có thể tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm với cấp trên. Có khi họp ban chỉ đạo, hội đồng để nêu vấn đề ra cho lãnh đạo TP quyết luôn để các cơ quan khỏi phải chịu trách nhiệm.
Lần này lãnh đạo thành phố rất quyết tâm bãi bỏ bớt các ban chỉ đạo hội đồng là vì vậy. Tuy nhiên ở phạm vi địa phương thì chúng tôi chỉ có thể bớt một số thôi, những cái trung ương quy định phải có thì chúng tôi phải chấp hành và củng cố thêm cho hiệu quả.
* Lâu nay có tình trạng khi một quan chức, cán bộ nào đó bị kỷ luật thường được chuyển về các ban chỉ đạo, hội đồng để làm việc và chờ nghỉ hưu, Đà Nẵng có thực trạng đó không? Sắp tới Đà Nẵng dự kiến xóa bao nhiêu ban chỉ đạo, hội đồng?
Tôi khẳng định ở Đà Nẵng không có việc đó. Kỷ luật là kỷ luật chứ không có chuyển về ban chỉ đạo, hội đồng nào cả. Mà tất cả các ban chỉ đạo, hội đồng ở Đà Nẵng hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, không có biên chế thì lấy đâu ra mà chuyển về.
Đà Nẵng dự kiến sẽ xóa 69 ban chỉ đạo, hội đồng, hợp nhất 12 ban có nhiệm vụ và thành phần tương đồng còn 6 ban, như vậy tổng cộng đã xóa bớt được 75 ban chỉ đạo, hội đồng, chỉ giữ lại 46 ban chỉ đạo, hội đồng thôi.
Khối Đảng cũng rà soát Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã chỉ đạo rà soát các ban chỉ đạo thuộc khối Đảng nhằm sắp xếp, tổ chức, giải thể bớt để hoạt động cho hiệu quả, tránh bệnh hình thức, gây lãng phí thời gian, ngân sách. Dự kiến sẽ có gần 10 ban chỉ đạo bị giải thể. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nho Trung, chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo TP Đà Nẵng là quyết tâm sắp xếp lại, tinh giả sao cho bộ máy hoạt động hiệu quả nhất, tránh việc có nhiều ban chỉ đạo không cần thiết, chức năng nhiệm vụ chồng chéo nhau. Mục tiêu cao nhất là hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc, vì vậy qua rà soát sẽ giữ lại các ban chỉ đạo thật cần thiết theo quy định và sẽ giải thể một số ban chỉ đạo, dự kiến tuần tới thường trực Thành ủy xem xét quyết định". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận