Một đoạn suối Đa Mê ngày nay chảy len lỏi giữa những khu vườn nông sản và các công trình - Ảnh: N.V.N.
Người đi lâu chửa thấy về, Nhớ người lòng suối , Đa Mê gợn buồn.
Lúc mới đến Đà Lạt, tác giả Đoạn tuyệt thuê một căn phòng trên lầu hai nhà hàng Poinsard & Veyret, số 12 Yersin (nay là đường Trần Phú, từng là quán Le Café De La Poste).
Phía sau dãy nhà mà Nhất Linh thuê trọ chính là khách sạn Langbian Palace, nơi chính trị gia Nguyễn Tường Tam từng đóng vai trò là trưởng đoàn Việt Nam trong hội nghị trù bị Đà Lạt chín năm về trước (tháng 5-1946).
Lần về chuyện cũ
Khung cảnh thanh bình của Đà Lạt ấy được Nguyễn Tường Thiết kể trong cuốn hồi ký Nhất Linh cha tôi.
Nhất Linh sống giản đơn và thanh bạch, mỗi ngày ông thả bộ xuống khu Hòa Bình, ăn sáng ở quán phở bình dân trên đường Hàm Nghi, rồi đi vòng bên kia bờ hồ Xuân Hương, vượt mấy ngọn đồi phía cuối hồ đến tận khu Chi Lăng gần hồ Than Thở. Ông thường ngồi uống rượu và ngắm sương mù phủ xuống những ngọn đồi trong tịch lặng.
Một lần đi dạo, ông đã bị mê hoặc trước vẻ đẹp một nhành phong lan nở hoa vàng bám trên cây thông già bên hồ Xuân Hương. Từ đó, ông bị loài hoa này khuyến dụ bước vào một cuộc chơi đầy tao nhã mà không kém nhọc nhằn.
Nhất Linh băng rừng lội suối, sưu tầm nhiều loại lan quý và đặt tên cho từng chi, loài (nhiều tên lan rừng do Nhất Linh đặt đến nay giới chơi lan Đà Lạt vẫn còn dùng).
Khi "đẳng cấp" chơi lan ngày càng cao, bộ sưu tập lan rừng ngày càng phong phú, Nhất Linh đã phải rời ngôi nhà thuê ở 12 Yersin để chuyển đến căn biệt thự của người bạn thân (ông Lê Đình Gioãn, chủ một garage tại Sài Gòn) ở 19 Đặng Thái Thân (đường này nay vẫn giữ tên cũ).
Ngôi biệt thự Pháp hình chữ A được xây khoảng thập niên 1930 có khoảng sân rộng là nơi Nhất Linh cùng các con ngày ngày săn sóc những giàn lan nở hoa thơm ngát. Khoảng sân biệt thự nhìn xuống những triền đồi hoang vu.
Cũng tại căn biệt thự trên đồi cao, nhiều đêm Nhất Linh thổi hắc tiêu (clarinet) một mình và chong đèn hoàn thiện một phần bản dịch cuốn Wuthering Heights của nữ văn sĩ người Anh Emily Brontë với nhan đề tiếng Việt là Đỉnh gió hú.
Rồi trong thời gian săn tìm lan rừng từ Đà Lạt về Định Quán, rừng B’Lao, đèo Ngoạn Mục đến Phan Rang..., Nhất Linh "phải lòng" địa thế một khu đất ở
Fim-Nôm (Phi Nôm ngày nay). Năm 1957, ông bàn với vợ mua lô đất ấy, có ý định cất nhà ở. Một thời gian ngắn, trên lô đất đứng tên vợ (bà Phạm Thị Liên), ông cất ngôi nhà gỗ lợp tranh khá đơn sơ lấy tên Thanh Ngọc Đình.
Thời gian sống tại đây, ông thường mắc võng bên suối Đa Mê tập trung viết trường thiên tiểu thuyết Xóm Cầu Mới. Nhưng rồi giấc mộng đẹp về đời ẩn sĩ không kéo dài bao lâu. Năm 1958, một cơn bão quét qua khiến ngôi nhà của ông đổ sập.
Từ sau trận thiên tai này, Nhất Linh quay về Sài Gòn, khép lại khoảng thời gian ở ẩn ngắn ngủi trên miền cao nguyên.
Nhà văn Nhất Linh và vợ, bà Phạm Thị Liên, bên dòng Đa Mê năm 1958 - Ảnh: VŨ HÀ TUỆ sưu tầm
Đa Mê, vật đổi sao dời
Tôi nhiều lần ấp ủ thực hiện chuyến hành trình tìm suối Đa Mê trên thực địa. Rồi cái duyên ấy cũng đến.
Một hôm, tôi nhận được email từ ông Nguyễn Tường Việt (con trai đầu của nhà văn Nhất Linh) chia sẻ những tài liệu, hồ sơ đất đai của gia đình, cậy nhờ đi thực địa, xem lại hiện trạng lô đất năm xưa cha ông dựng Thanh Ngọc Đình.
Đà Lạt một chiều se lạnh và nhiều mây, tôi cùng đồng nghiệp làm nghề báo tại Lâm Đồng xuôi đèo xuống Đức Trọng.
Trong tay là bản sao tư liệu "bằng khoán điền thổ số 7B" thể hiện "khu đất có diện tích 15.900 thước vuông thuộc làng Phú Thạnh, quận D’Ran, tỉnh Đồng Nai Thượng", đứng tên chủ sở hữu là bà Phạm Thị Liên.
Bản lược đồ kèm theo cho thấy lô đất này kéo dài từ mép quốc lộ 20 đến suối Damé chừng nửa cây số, tiếp giáp với khúc quanh dòng suối.
Từ các tư liệu địa bạ đó, chúng tôi xác định được vị trí lô đất cần tìm ngày nay nằm trên địa giới của thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng; khoảng giữa đoạn ngã ba Phi Nôm và ngã ba Liên Khương. Anh Lâm, cán bộ Phòng địa chính xã Hiệp Thạnh, đã mở bản đồ và giúp chúng tôi xác định hướng đến "xóm Đa Mê" với vài thông tin về khu dân cư này.
Anh tiết lộ một thông tin đáng chú ý: "Dân cựu trào không còn ai cả, lạ là ở khu vực này người ta không thực sự an cư, chuyện chuyển nhượng, mua bán đất diễn ra khá phổ biến và ngày nay đây là khu dân cư mới hoàn toàn, khá đông đúc. Giá đất ở đây đang sốt do đô thị hóa nhanh chóng".
Một Đa Mê hẻo lánh, hoang vu trên trang sách dần bị gỡ bỏ khỏi hình dung chúng tôi khi theo hướng chỉ dẫn của người dân, tiến dần đến bờ suối.
Trước mắt chúng tôi, một tịnh xá đang được xây dựng bề thế, hoành tráng, là cơ ngơi của sư T.G.N. (xin viết tắt). Có một con mương bề ngang chừng 2m chảy len lỏi qua những khu dân cư đông đúc, vườn tược rau hoa, rồi luồn xuống chân cầu bêtông kiên cố, xuyên qua nền ngôi tịnh xá.
"Suối Đa Mê đó" - một thợ xây là người địa phương nói với chúng tôi. Dòng suối có lẽ bị thu hẹp nhiều. Ngày nay không còn dấu vết gì về khung cảnh hoang vu mà Nhất Linh từng gợi tả trong các bức ký họa, hình ảnh 60 năm trước.
Tôi đi men theo bờ cỏ um tùm, ngược lên dòng chảy một đoạn và cố nhắm mắt hình dung nơi đây từng là rừng cây vắng vẻ, nơi nhà văn, chính trị gia lừng lẫy đã dừng chân và ước mơ một cuộc sống thanh bạch, chấp nhận lãng quên, lánh xa cuộc thế ngổn ngang nếu như không có cơn bão định mệnh đi qua...
Tôi cảm nhận được tiếng thở dài ngậm ngùi của anh em ông Nguyễn Tường Việt và Nguyễn Tường Thiết, con trai cụ Nhất Linh, trong email gần nhất. Họ đã khép lại hi vọng có thể tìm thấy cảnh sắc năm xưa và xa hơn là mơ ước được dựng lại một Thanh Ngọc Đình nho nhỏ, giản dị như một nơi tưởng niệm cha mình. Vẫn biết cuộc sống là vật đổi sao dời.
Một ký họa khung cảnh Đa Mê năm 1957, có đề thơ tặng ông Lê Đình Gioãn của nhà văn Nhất Linh Ảnh: VVŨ HÀ TUỆ sưu tầm
Nhà văn Nhất Linh mắc võng bên suối Đa Mê trong thời gian ở ẩn tại đây (1957-1958) - Ảnh: Vũ Hà Tuệ sưu tầm.
Bằng khoán điền thổ lô đất của bà Phạm Thị Liên ở suối Đa Mê, nơi Nhất Linh xây Thanh Ngọc Đình - Ảnh: Nguyễn Tường Thiết cung cấp.
Xóm Đa Mê bây giờ - Ảnh: NVN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận