23/06/2013 07:08 GMT+7

Đà Lạt quyết trị khoai tây Trung Quốc đội lốt

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
MAI VINH - CHÍNH THÀNH

TT - Một tuần sau vụ tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đột ngột kiểm tra chợ nông sản Đà Lạt (P.11), nơi có 24 tiểu thương kinh doanh khoai tây. Một phòng phân tích mẫu dã chiến được lập ngay giữa chợ để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong khoai tây.

w4B4Comf.jpgPhóng to
Phân tích mẫu khoai tây Trung Quốc ngay tại chợ nông sản Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH

Sáng 22-6, chúng tôi có mặt tại chợ nông sản Đà Lạt trước khi đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng tới. Chợ không nhộn nhịp, các hoạt động tập trung chủ yếu ở kho hàng của các tiểu thương kinh doanh khoai tây. Quản lý chợ là ông Nguyễn Thế Hiền cho biết gần đây các xe tải lớn chở khoai tây Trung Quốc không còn về chợ nhiều như lúc trước.

Vẫn còn “mặc áo” cho khoai

"Nhiều tiểu thương lấy cớ sản lượng khoai tây Đà Lạt thấp, không đủ hàng bán nên nhập hàng Trung Quốc về. Đó là ngụy biện! Nếu các siêu thị có thái độ dứt khoát và có kế hoạch kiểm tra vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp cung ứng nông sản tại Đà Lạt, tôi tin sẽ chấm dứt được việc giả mạo"

Ông Nguyễn Thành Nhân (phó tổng giám đốc Saigon Co.op)

Theo ông Hiền, hiện vẫn còn năm tiểu thương tiếp tục lấy đất đỏ bôi lên khoai tây Trung Quốc. Ông Hiền chỉ lên tấm bảng phân công trực có dòng chữ “Phát hiện hàng Trung Quốc yêu cầu cán bộ kiểm tra kỹ các chứng từ” và nói: “Kiểm soát rát như vậy không phải cản trở lưu thông, mà chủ yếu cho chủ hàng thấy để xuống một xe khoai Trung Quốc tại Đà Lạt không còn dễ dàng”.

Nhìn ra phía chợ, ông chỉ cho chúng tôi xem khoảng 12 gian hàng đã đóng cửa im ỉm, ông bảo đó là những kho hàng kinh doanh khoai tây Trung Quốc số lượng lớn. Cơ quan chức năng làm căng nên họ đóng cửa nghỉ. Chưa thông báo sẽ mở cửa lại khi nào và cũng chưa thấy đăng ký có tiếp tục kinh doanh khoai tây nữa hay chuyển sang mặt hàng khác.

Tại gian hàng Trang Lớn, công nhân cặm cụi lấy đất đỏ rải lên khoai và đóng thành từng bao nhỏ đợi xe tới chở đi. Bên cạnh gian hàng này là bốn gian hàng công nhân vẫn ra vào làm giả khoai tây. Họ không quá bất ngờ khi cơ quan chức năng đột ngột tới kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm. Bà Đỗ Thị Mỹ, chủ kho hàng số 54-55, cho biết: “Việc xét nghiệm thì may rủi, may thì qua, rủi thì bắt đền đơn vị nhập khẩu”.

Từ tin báo của người dân, một nhánh khác của đoàn kiểm tra liên ngành tiếp cận kho khoai tây của bà Hiệp (xóm Hố, P.11), chủ nhà không có nhà, chỉ có hai người làm công. Họ vừa trộn đất đỏ vừa sấy khô. Dọc bờ tường là hàng chục bao đất đỏ, giữa nền nhà nhầy nhụa đất đỏ là đống lớn khoai tây Trung Quốc đã được “mặc áo” mới. Người làm công Hoàng Thị Hồng cho biết họ không biết kho hàng chính ở đâu. Chỉ biết mỗi lần nhập hàng là nhập nguyên một xe tải. Họ phải làm liên tục 14 giờ/ngày mới kịp cho bà chủ giao hàng.

Gần hai giờ sau khi lấy mẫu thì có kết quả xét nghiệm. Theo ông Lại Thế Hưng - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, ba mẫu khoai tây Trung Quốc có dấu hiệu sắp vượt ngưỡng an toàn cho phép, hai mẫu khoai tây Đà Lạt chính hiệu không có dấu hiệu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Không có cớ để xử lý hơn 20 tấn khoai tây Trung Quốc, đoàn kiểm tra đành thông báo cho các tiểu thương kinh doanh bình thường.

Ngắc ngoải vì khoai tây Trung Quốc

Trong lúc tiểu thương chợ nông sản Đà Lạt hoan hỉ vì vượt được đợt kiểm tra của cơ quan chức năng thì tại xã Xuân Trường, Xuân Thọ, những nông dân Đà Lạt có thâm niên hơn 20 năm trồng khoai tây đang bó gối, ủ ê với chuyện thất thu nhiều năm liền. Ông Lê Thìn, chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Trường, cười buồn: “Khoai tây Trung Quốc hoành hành khiến người dân xã tôi nghỉ trồng khoai tây luôn”.

Ông Thìn bảo để có giống khoai tây ngon phù hợp với thổ nhưỡng Đà Lạt, nông dân phải đầu tư nhiều, vất vả lựa chọn. Hơn ba năm trước, khoai tây Trung Quốc đổ bộ vào Đà Lạt. Lại đúng lúc khoai tây Đà Lạt đang rộ mùa nên giá khoai chỉ còn 4.000 đồng/kg. Lỗ nặng, không còn niềm tin để đầu tư tiếp nên nông dân bỏ hẳn trồng khoai, chuyển sang cây trồng ngắn ngày khác.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Bình - chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thọ - nhận định sức cạnh tranh của khoai tây Đà Lạt ngày càng yếu, nhất là từ tháng 5 đến tháng 11, một phần do bà con không còn tin rằng sẽ thắng lớn nếu trồng trái vụ nên chẳng ai dại gì đương đầu rủi ro của sâu bệnh, mưa dầm. Con số ông đưa ra như một lời cảnh báo về sự thu hẹp dần diện tích: “Khoai nghịch vụ trước kia hơn 40ha, mùa này chỉ còn 15ha”.

Thêm nhiều “thủ phủ” khoai tây Đà Lạt giả

Đó là lo ngại của ông Dương Ngọc Đức, trưởng Phòng kinh tế TP Đà Lạt. Ông cho rằng rất cần cơ quan chức năng các tỉnh thành trên cả nước kiểm soát khoai tây Trung Quốc kém chất lượng mạo danh khoai tây Đà Lạt. “Chúng tôi làm rất rát nhưng vẫn có một số người thản nhiên làm giả khoai tây. Nếu chúng tôi siết chặt quản lý ở Đà Lạt mà địa phương khác vẫn lỏng lẻo thì công sức sẽ đổ xuống sông. Các tiểu thương sẽ không đưa khoai về Đà Lạt để làm giả mà nhập về TP.HCM, Hà Nội, sau đó chở đất đỏ Đà Lạt xuống, làm vậy lời còn cao hơn” - ông nhấn mạnh. Thủ phủ khoai tây Đà Lạt giả mạo sẽ không biến mất mà chỉ di chuyển nếu các địa phương không siết chặt khâu kiểm dịch trên đường nông sản di chuyển từ các cửa khẩu về địa phương.

Ông Lại Thế Hưng có nỗi lo khác. Trong tuần qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhanh 181 mẫu khoai tây thu từ các chủ vựa lớn tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Kết quả các mẫu này chỉ sắp vượt ngưỡng an toàn nên khó xử lý. Ông cho rằng không phải khoai Trung Quốc vô can, cũng không phải tiểu thương làm ăn chân chính mà có tiểu xảo. Ông khẳng định: “Quá trình di chuyển trong thời gian dài từ cửa khẩu phía Bắc vào Đà Lạt đã khiến nhiều chất độc hại giảm độc lực nên không phát hiện. Nếu kiểm tra chặt từ các cửa khẩu, tôi tin không nhiều khoai tây Trung Quốc đủ chất lượng được vào VN”.

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp