Nội ô TP Đà Lạt được chụp ở độ cao khoảng 300m, có thể thấy bêtông lấn lướt, chỉ còn vài mảng xanh rải rác trong khu vực đô thị - Ảnh: MAI VINH
Thành phố Đà Lạt có tổng diện tích tự nhiên chỉ khoảng 393km², đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Đây không phải điều bất ngờ với những ai tìm hiểu lịch sử, xây dựng thành phố này.
Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Từ tháng 7-2017, trong kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Lâm Đồng đã cảnh báo nguy cơ Đà Lạt sẽ không đủ nước sinh hoạt trong 10 năm tới. Nguyên nhân do ô nhiễm trầm trọng từ nguồn tại hồ Đan Kia - Suối Vàng. Nhưng không chỉ do ô nhiễm nguồn nước.
Hơn 90 năm trước, những kiến trúc sư người Pháp quy hoạch Đà Lạt khi khảo sát và tính toán đã cảnh báo về nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho 120.000 người. Theo thống kê năm 2017, dân số Đà Lạt đã 227.000 người. Đà Lạt ngày càng bị bêtông hóa, mất mảng xanh, giảm chỗ trữ nước. Mùa khô, đông khách du lịch, thiếu nước sinh hoạt là điều dễ hiểu.
Thành phố thiếu nước gặp vô vàn trở ngại, khó phát triển. Đà Lạt cũng không ngoại lệ. Đã có nhiều chuyên gia góp ý Đà Lạt không nên xây nhà cao tầng ở khu trung tâm. Cần có những đô thị vệ tinh như Đà Lạt 2 ở Đơn Dương hoặc điểm nào gần Bảo Lộc...
Tuy nhiên, Đà Lạt đang bị cuốn vào vòng xoáy phát triển "vết dầu loang" đã kéo theo đó là thời tiết thay đổi theo hướng ngày càng tệ hơn, kẹt xe và các vấn đề môi sinh.
Thành phố, đô thị hay khu vực nào cũng có mức tối đa phục vụ đời sống con người, chỉ có thể chứa lượng người và nhu cầu nhất định, nếu vượt quá sẽ dẫn đến những hệ lụy về môi trường. Một môi trường phải chứa 10 người, nhưng chỉ có đủ nước và không gian sinh hoạt cho 3 người hẳn không thể duy trì lâu dài.
Đà Lạt vốn đã không dồi dào nguồn nước, vẫn đang sử dụng nước từ mạng lưới đường ống cũ, hạ tầng cấp nước chưa đáp ứng nhu cầu. Nếu gia tăng thêm lượng lớn dân cư vào khu trung tâm càng tạo nên áp lực rất lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà cao tầng mọc lên dày đặc càng dẫn đến nhu cầu về nước sinh hoạt tăng lên, mạng lưới cung cấp sẽ bị quá tải.
Bêtông hóa mở rộng càng khiến nguồn nước ngầm suy giảm. Đà Lạt phát triển vượt quá khả năng chống đỡ của môi trường sống và đáng lưu ý là cần những giải pháp về vấn đề nước sinh hoạt cho tương lai ở thành phố này.
Và sức ép hạ tầng
Đà Lạt vốn đã hẹp, nếu đảm đương thêm nhà cao tầng càng khiến mật độ dân số tăng lên, gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông hiện hữu. Chưa kể ảnh hưởng các hoạt động khác, ô nhiễm môi trường, rác thải nhiều hơn, giảm chất lượng sống.
Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị là thể hiện suy nghĩ, cách thực hiện chiến lược phát triển, tác động rất lớn đến đời sống, tinh thần, sinh hoạt, kinh tế, di sản, văn hóa, xã hội ở nơi đó.
Nhiều nước phát triển không bao giờ để cho kiến trúc sư đơn độc trong lập quy hoạch, thiết kế đô thị, mà luôn có sự tham gia phối hợp của nhà đô thị học, kinh tế học, xã hội học, lịch sử, giáo dục, khí tượng, thủy văn và cả nhà nghệ thuật.
Quy hoạch đô thị cũng là định hướng phát triển, bố trí sắp xếp không gian, số lượng công trình, mật độ dân số đều phải căn cứ yếu tố môi trường tự nhiên như diện tích đất, lượng nước sinh hoạt, tài nguyên thiên nhiên, nhu cầu giao thông.
Nếu thiếu hoặc các điều kiện này không đảm bảo sẽ không chỉ khó phát triển mà còn phản tác dụng, thiệt hại kéo dài qua nhiều thế hệ khi con người và mọi sinh hoạt đời sống cùng với lao động sản xuất dồn nén trong một diện tích quá hẹp.
Quy hoạch hay thiết kế xây dựng cần xem xét thêm yếu tố đó, người thụ hưởng có cảm thấy hứng thú và đảm bảo điều kiện sống, ăn ở, làm việc, đi lại hay không? Quy hoạch Đà Lạt ngoài chuyện gìn giữ di sản, môi trường còn phải tính đến cốt lõi là chất lượng cuộc sống, không chỉ với du khách mà trước tiên là với người Đà Lạt.
Chỉnh trang đô thị không nhằm tạo ra quỹ đất
Về đồ án quy hoạch chi tiết chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình vừa được công bố, tôi có ý kiến sau:
Việc tháo dỡ rạp Hòa Bình để xây dựng trung tâm thương mại, giải tỏa một số khu vực nhà dân xung quanh đã tác động đến đời sống của người dân khu Hòa Bình, làm thay đổi và ảnh hưởng đến việc kinh doanh truyền thống của những người trong khu vực chợ Đà Lạt cũ, tăng áp lực về hạ tầng (điện, nước, giao thông) tại khu vực lõi trung tâm lịch sử của Đà Lạt.
Thiết nghĩ Bộ Xây dựng, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cần có tiếng nói chuyên môn với chính quyền TP Đà Lạt. Cần có cuộc đối thoại công khai về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, tác động của đồ án quy hoạch đến môi trường sống, kinh doanh của người dân xung quanh bởi lẽ Đà Lạt không của riêng ai.
Chỉnh trang đô thị là việc cải tạo đô thị, sắp xếp lại các ô phố để tạo điều kiện tốt hơn về đô thị, cuộc sống trong cộng đồng dân cư khu vực chỉnh trang và quan trọng hơn là không làm thay đổi bản chất của khu vực đó.
Chỉnh trang đô thị tạo ra phúc lợi xã hội để từ đó đô thị phát triển, chứ không phải tạo ra quỹ đất để xây dựng các công trình không nhằm mục đích phục vụ cộng đồng dân cư khu vực đó.
KTS CAO THÀNH NGHIỆP (giám đốc Ban quản lý dự án trùng tu trụ sở TAND TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận