Nông dân Đà Lạt thu hoạch khoai tây bán cho các hợp tác xã - Ảnh: LÂM THIÊN
Ngày 8-4, ông Lại Thế Hưng - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng - cho biết đơn vị đã dán trên 1.500 tấn trước khi đưa ra phân phối trên thị trường.
Hoạt động triển khai đề án thí điểm nhận diện khoai tây Đà Lạt nhằm ngăn chặn tình trạng khoai tây có nguồn gốc xuất xứ từ nơi khác mạo danh khoai tây Đà Lạt, gây nhức nhối dư luận suốt thời gian qua.
Theo đó, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã cung cấp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm khoai tây Đà Lạt 65.600 thùng bao bì đóng gói bằng chất liệu cactông 5 lớp, loại 10kg.
Trên bao bì in sẵn hình củ khoai tây giống 07 và P03 sản xuất phổ biến tại Đà Lạt và các vùng phụ cận, trên đó nổi lên logo thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".
Được biết, mỗi thùng cactông chứa từng túi lưới 0,5kg và 1kg, bên trong đều dán 1 tem chống giả và 1 nhãn hiệu nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt.
Công nhân Hợp tác xã Anh Đào dán tem nhận diện khoai tây Đà Lạt lên những bịch khoai tây vừa đóng gói trước khi đem đi tiêu thụ - Ảnh: LÂM THIÊN
"Sau đợt thí điểm trên khoai tây, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh muốn dán nhãn nhận diện nông sản Đà Lạt trên các loại nông sản khác do chính họ trồng và sản xuất tại Đà Lạt và các vùng phụ cận sẽ phải đăng ký tại Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng.
Chúng tôi sẽ công bố chính thức trên trang web của chi cục và các phương tiện thông tin đại chúng xác nhận đơn vị đó đã đăng ký tem, nhãn mác loại nông sản giúp người tiêu dùng an tâm, phân biệt được đâu là nông sản Đà Lạt chính gốc", ông Hưng chia sẻ.
Bước đầu có 9 đơn vị sản xuất, kinh doanh được chọn thí điểm dán tem chống giả khoai tây Đà Lạt gồm 8 hợp tác xã Anh Đào, Phước Lộc, Tân Tiến, Hiền Thi, Tiến Huy, Phước Lộc, Phong Thúy, Thảo Nguyên và cơ sở nông sản Đức Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận