Đội CSGT Cát Lái tiến hành niêm phong xe - Ảnh: CHÂU TUẤN
Liên quan đến hai tài xế bỏ ôtô ở chân cầu Sài Gòn bị Đội CSGT Cát Lái cẩu xe về, trung tá Nguyễn Văn Bình - đội trưởng đội tham mưu, Phòng CSGT Công an TP.HCM - cho hay Đội CSGT Cát Lái đã làm việc với cả 2 tài xế.
Trong đó, tài xế xe Mercedes biển số 51G -947.15 đã ký vào biên bản vi phạm với lỗi dừng đỗ xe nơi có biển cấm. Tài xế này xuất trình đầy đủ giấy tờ và đã nhận lại xe.
Tài xế xe Hyundai Santafe biển số 51G-053.31 khi lên làm việc với cán bộ Đội CSGT có biểu hiện mệt mỏi, xin về đi khám bệnh và sẽ quay lại làm việc sau. Trường hợp này CSGT vẫn chưa lập biên bản vi phạm và vẫn đang tạm giữ xe.
"Về trường hợp người đàn ông ngồi trong xe cố thủ không phải là người lái xe, không phải là đối tượng vi phạm giao thông mà lực lượng phải xử lý" - trung tá Nguyễn Văn Bình nói.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, chiều 23-7, tổ công tác Đội CSGT Cát Lái kiểm tra đột xuất 2 ôtô trên xa lộ Hà Nội hướng về cầu Sài Gòn. Khi bị dừng xe 2 tài xế không hợp tác, sau đó mở cửa xe rời khỏi hiện trường.
Lúc này, trong xe Mercedes có một người đàn ông tự nhận là chủ xe, không chịu xuống xe để lực lượng cẩu xe đi. Người này đôi co với CSGT khi cho rằng chiếc xe đắt tiền (có giá trị 5,2 tỉ đồng) trên xe còn có nhiều tiền và tài sản khác nên ngồi lại để bảo vệ tài sản.
Sau đó, tổ công tác đưa người này ra khỏi xe và niêm phong 2 ôtô, cẩu về trụ sở Đội CSGT Cát Lái tiếp tục giải quyết.
Lực lượng CSGT điều xe cẩu tới đưa phương tiện về đồn - Ảnh: CHÂU TUẤN
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng pháp luật quy định rõ khi có hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông (CSGT) thì người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải chấp hành.
Với vi phạm mà theo quy định phải tạm giữ xe thì người điều khiển xe phải chấp hành việc giao xe cho đơn vị CSGT. Xe là phương tiện bị tạm giữ. Ngoài xe ra thì đơn vị không chịu trách nhiệm tạm giữ đối với các tài sản khác như tiền, vàng…
Những tài sản này người điều khiển phải tự bảo quản. Nếu lo sợ tài sản (như tiền, vàng…) mang theo trên xe nhiều, sẽ bị thất thoát thì người vi phạm có thể nhờ bạn hoặc thuê taxi để mang về an toàn.
Về phần ôtô đắt tiền, khi lực lượng lập biên bản thì người vi phạm có thể ghi nhận tình trạng xe vào biên bản. Ví dụ ghi nhận thời điểm tạm giữ trên xe bao gồm các thiết bị như camera hành trình, màn hình tivi, đầy đủ kiếng chiếu hậu…
Về phần CSGT khi tạm giữ phương tiện để làm cơ sở xử lý vi phạm thì pháp luật quy định họ có trách nhiệm bảo quản toàn vẹn phương tiện để giao lại cho người vi phạm.
"Trong trường hợp người điều khiển xe vi phạm có hành vi không chấp hành mệnh lệnh của lực lượng CSGT, thậm chí chống đối thì tùy mức độ có thể vi phạm lỗi "không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông" hoặc vi phạm tội "chống người thi hành công vụ". Còn người ngồi trên xe có hành vi chống đối, xúc phạm… thì sẽ bị xử lý tương ứng với mức độ của hành vi này" - luật sư Đức nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận