Các bạn đoàn viên, thanh niên tham dự ngày hội thanh niên 2014 tại công viên Tao Đàn, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Năm qua đầy ắp những sự kiện sôi động. Trong đó, sự kiện gây ấn tượng mạnh nhất trong tôi là lòng yêu nước trào dâng của tuổi trẻ hòa chung với sự phẫn nộ của cả dân tộc khi chủ quyền quốc gia trên biển Đông lại bị xâm hại, nối tiếp truyền thống yêu nước trong Cách mạng Tháng Tám mùa thu 1945 và cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân 1975 - những mốc son chói lọi về lòng yêu nước và chí kiên cường của dân tộc ta trong thế kỷ 20 mà năm nay cả nước sẽ kỷ niệm.
Truyền thống quý báu ấy thể hiện một quy luật bất biến: một khi Tổ quốc lâm nguy, lòng yêu nước của dân tộc ta luôn trỗi dậy mạnh mẽ.
Nhưng một khi đất nước đã độc lập, giang sơn đã thống nhất, cuộc sống tương đối yên bình thì lòng yêu nước cần được thể hiện sao đây? Câu hỏi ấy chắc không chỉ của riêng tôi.
Không biết các bạn trẻ nghĩ thế nào chứ riêng tôi nghĩ lúc này lòng yêu nước không chỉ nằm ở ý chí sắt đá bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, mà còn thể hiện bằng khát vọng cháy bỏng làm cho đất nước cường thịnh, mọi người có cuộc sống văn minh, hạnh phúc. Ước nguyện ấy trở thành hiện thực lâu hay mau tùy thuộc rất nhiều ở mỗi người dân đất Việt, trước hết là thế hệ trẻ.
Đừng đổ lỗi cho bất cứ ai
Muốn góp phần làm cho đất nước giàu mạnh thì điều đầu tiên là chúng ta cần sục sôi “tức khí” khi thấy nước mình tụt hậu về trình độ phát triển so với nhiều nước khác, biến cái tức khí ấy thành động lực thôi thúc làm việc hiệu quả nhất với chất lượng cao nhất |
Có thể ai đó hỏi vặn lại: làm sao có thể cống hiến được với biết bao chuyện bộn bề trong cơ chế, chính sách, kể cả chính sách dùng người như hiện nay? Câu hỏi ấy rất có lý. Nhiệt huyết và sự cống hiến của mỗi người tùy thuộc đáng kể vào cơ chế, chính sách của Nhà nước và những người có trách nhiệm phải ra sức tháo gỡ những lấn cấn trong cách nghĩ và cách làm để phát huy tối đa sức sáng tạo của người dân. Còn mỗi người chúng ta có lẽ chẳng nên thụ động ngồi chờ.
Tôi rất ấn tượng về cách nghĩ của bạn Võ Thị Mỹ Linh - một bạn gái quyết định tạm gác công việc để đi “phượt” lên nóc nhà thế giới là Hy Mã Lạp Sơn và suýt bỏ mạng do bão tuyết.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ sau khi bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo về sách giáo khoa dạy tiếng Anh ở ta gây sóng gió trên thế giới mạng, bạn đó thẳng thắn nói: “Tôi không đổ lỗi tôi dốt tiếng Anh là tại ông bộ trưởng hay tại nền giáo dục Việt Nam, mà tôi đổ lỗi cho mình trước… Đừng đổ lỗi cho bất cứ ai khi chính bạn không làm chủ được cuộc đời bạn”. Và bạn đó đã sống theo lời dạy của người cha: “Your life is yours, not mine!” (Cuộc sống là của con chứ không phải của cha).
Chia sẻ triết lý sống của bạn Mỹ Linh, tôi không muốn cao giọng rao giảng, khuyên bảo các bạn trẻ phải làm gì để góp phần làm cho nước ta thoát khỏi nỗi tủi nhục tụt hậu so với nhiều nước khác; điều đó phải do mỗi người quyết định!
Riêng tôi nghĩ muốn góp phần làm cho đất nước giàu mạnh thì điều đầu tiên là chúng ta cần sục sôi “tức khí” khi thấy nước mình tụt hậu về trình độ phát triển so với nhiều nước khác, biến cái tức khí ấy thành động lực thôi thúc làm việc hiệu quả nhất với chất lượng cao nhất theo tinh thần: đã là sản phẩm “Made in Viet Nam” thì phải hảo hạng!
Ước nguyện như vậy có bốc đồng quá không? Không, qua trải nghiệm cuộc đời tôi thấy để làm ra các sản phẩm cho dù bằng chân tay hay trí tuệ có chất lượng cao, mỗi người cần hội tụ ba điều: tố chất trời cho, kiến thức học được và lòng đam mê công việc.
Phải chăng tố chất trời cho chính là sở trường của mỗi người. Do hoàn cảnh lịch sử, các thế hệ trước không có điều kiện chọn việc theo sở trường mà hành động theo phương châm: làm bất kỳ việc gì Tổ quốc cần, đi bất kỳ đâu do tổ chức phân công. Giờ đây các bạn trẻ thả sức chọn nghề, chọn chỗ nhưng nhiều khi lại chọn không trúng.
Gần đây dư luận nói nhiều về thực trạng đáng buồn là nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm đúng theo ngành học. Khoan đổ lỗi cho “cơ chế”, cho hệ thống giáo dục đào tạo…, mỗi người hãy suy ngẫm kỹ xem mình đã thật sự hiểu đúng sở trường, chọn đúng sở thích của mình và đã nắm bắt trúng nhu cầu của xã hội chưa hay cứ nhắm mắt đưa chân theo “mốt thời thượng”, hoặc thụ động nghe theo sự xếp đặt nhiều khi không trúng của người lớn?
Nói một cách khác, muốn cống hiến tốt trước hết nên bình tâm suy nghĩ thật kỹ xem thật sự mình đam mê việc gì và thật sự có khả năng gì để từ đó chọn trường, chọn việc cho trúng; chỉ có vậy mới thành nghề, thành đạt, mới có thể góp phần cho dân giàu, nước mạnh.
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hãy bắt đầu từ việc nhỏ
Điều quan trọng tiếp theo là học. Do không được học hành tử tế nên nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi phải lần mò tự học và học mọi thứ, được giao việc gì lại phải nai lưng ra mày mò học.
Ngày nay các bạn trẻ có điều kiện học hành thuận lợi hơn chúng tôi rất nhiều, song làm sao có thể học hết trên ghế nhà trường nên vẫn cần không ngừng học hỏi qua sách vở, qua bạn bè, qua cuộc sống. Kiến thức chưa đủ, một điều tối cần nữa là kỹ năng làm việc vì như ông cha ta thường nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Tuổi trẻ luôn khao khát làm việc lớn nhưng mọi việc lớn đều bắt đầu từ việc nhỏ, cho nên hãy học thao tác thuần thục những việc nhỏ nhất. Đó là bài học đường đời của bản thân tôi. Thật buồn nếu y tá tiêm nhầm thuốc, chuyên viên văn phòng không thảo nổi một công văn, một quan chức không biết ra quyết định đúng cách…
Bao trùm lên hai chữ “học” và “hành” là niềm đam mê công việc; làm ra làm, chơi ra chơi; làm gì cũng chỉn chu, tỉ mỉ, dốc hết tâm hồn, trí tuệ vào công việc để sản phẩm làm ra đạt tới mức hoàn hảo nhất. Như vậy chưa đủ. Muốn sánh vai, thậm chí vượt lên bạn bè năm châu cần có trí sáng tạo, tìm mọi cách sản sinh cái mới, cái riêng chứ không chỉ sao chép, mông má, bắt chước một cách máy móc.
Các bạn trẻ ngày nay rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu cái mới. Smartphone mới xuất hiện hôm trước hôm sau đã có ở Việt Nam, nhưng thật buồn khi vào các cửa hàng không hề thấy bất kỳ sản phẩm nào mang nhãn hiệu “made in Viet Nam”; cái gì xuất hiện trong giới showbiz thế giới hôm trước thì hôm sau nam thanh nữ tú của ta đã bắt chước được ngay.
Thế nhưng tiếc thay ta vẫn chưa có được Psy đẻ ra điệu múa ngộ nghĩnh Gangnam style náo loạn thế giới, mới xuất hiện trên mạng đã được hàng tỉ người trên hành tinh truy cập!
Các chuyên gia thường cố công tìm kiếm những bí quyết của người Nhật, người Hàn, người Singapore… giúp họ bứt phá lên trước. Cá nhân tôi nghĩ bí quyết của họ nằm ngay trong những điều nói trên chứ không phải xa vời gì. Chẳng lẽ dân ta vốn thông minh, khéo tay, hay làm lại không theo kịp họ?
Đó là những điều cần làm cho nước giàu. Nhưng như vậy chưa đủ, lòng yêu nước còn cần được thể hiện trong nhiều việc để góp phần làm cho giang sơn đẹp tươi. Các thế hệ trước đã giành được sự kính trọng của cả thế giới bằng mồ hôi, xương máu; thế hệ ngày nay có trách nhiệm củng cố lòng kính trọng vốn có bằng trí tuệ và nếp sống của mình.
Trong thời bình và trong thời hội nhập, lòng yêu nước và sự tự trọng cần được thể hiện qua việc làm cho cuộc sống văn minh, đất nước xanh - sạch - đẹp thật sự, người người chung sống tử tế, hòa thuận. Làm sao có thể vỗ ngực là mình yêu non sông gấm vóc trong khi vẫn tùy tiện xả rác, giẫm nát bồn hoa, phóng uế bừa bãi? Làm sao có thể hãnh diện về bản sắc văn hóa dân tộc nếu cứ chửi thề nói tục, không kính trên nhường dưới? Sao luôn mồm than vãn về sự hỗn loạn giao thông nhưng khi ra đường cứ ra sức chen lấn, hồn nhiên vi phạm luật lệ?...
Mỗi người chúng ta hãy thể hiện lòng yêu nước bằng những việc nhỏ thường ngày chứ không chỉ là những chuyện cao xa, to tát.
Làm tốt hai chuyện: góp phần xây dựng đất nước “giàu - đẹp” cả về vật chất lẫn tinh thần há chẳng là sự thể hiện lòng yêu nước đích thật trong thời điểm hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận