30/01/2021 09:34 GMT+7

Đã khoanh trúng ổ dịch, 'chia lửa' cho Chí Linh, Hải Dương

LAN ANH - XUÂN LONG
LAN ANH - XUÂN LONG

TTO - Hôm qua 29-1 là ngày thứ 2 trong 'quyết tâm 10 ngày dập dịch' tại Hải Dương và Quảng Ninh của ngành y tế và Chính phủ. Những diễn biến của ngày thứ 2 cho thấy các chuyên gia y tế đã 'khoanh' trúng ổ dịch.

Đã khoanh trúng ổ dịch, chia lửa cho Chí Linh, Hải Dương - Ảnh 1.

Quân khu 3 sử dụng xe chuyên dụng đồng loạt khử khuẩn tại Quảng Ninh, Hải Phòng - Ảnh: T.THẮNG

Dù vẫn ghi nhận thêm hơn 60 ca bệnh mới trong hôm qua, việc dập dịch có thể diễn biến thuận lợi hơn so với dự báo. Nếu mọi việc suôn sẻ, bà con sẽ được đón tết yên bình.

Thêm hơn 60 ca bệnh nhưng vẫn "thuận lợi"

Hôm qua vốn được dự báo là một ngày rất "nóng", bởi ngày trước đó xét nghiệm hơn 200 mẫu bệnh phẩm tại Hải Dương đã ghi nhận 84 mẫu dương tính. 29-1 cũng là ngày công bố kết quả xét nghiệm hơn 3.600 mẫu (trong số trên 5.000 mẫu đã được lấy). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đều nhận định có thể số mắc mới trong ngày sẽ "khủng", không dừng lại ở 200 - 300 ca.

Nhưng thực tế cho thấy chỉ có thêm hơn 60 ca bệnh, trong số này có 52 ca Hải Dương, 2 ca ở Hà Nội, 7 ca ở Quảng Ninh, 2 ca ở Bắc Ninh và 2 ca ở Hải Phòng (trong đó 1 ca Bắc Ninh, 1 ca Hải Phòng đã được Sở Y tế thông báo từ ngày 28-1 trước khi Bộ Y tế xác nhận).

Phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến với 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương chiều 29-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông báo một tin tốt: "Xét nghiệm tại khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống và các nhà máy lân cận không ghi nhận ca mới, dịch mới tập trung tại một nơi là Công ty POYUN, ổ dịch đã được khoanh và bước đầu được kiểm soát" - ông Long nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ số bệnh nhân hơn 50 ca ghi nhận chiều 29-1 (trong số hơn 60 ca phát hiện trong ngày) có thể là lô lớn cuối cùng trong những ngày sắp tới. Đã có những dự báo số mắc đợt dịch này lên tới nhiều trăm bệnh nhân nhưng số lượng ghi nhận thực tế (khoảng 160 ca trong 2 ngày vừa qua) cộng với công tác truy vết rộng khắp đến F3, những ngày tới có thể sẽ "dễ thở" hơn.

Những cuộc "chia lửa"

Khi dịch xảy ra tại Đà Nẵng vào tháng 7-2020, hàng không và các tuyến xe phải tăng cường để chở khách du lịch rời Đà Nẵng nhưng ở chiều ngược lại, có y bác sĩ từ Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội vào, từ Bình Định, Quảng Ngãi ra Đà Nẵng. Lần này dù Tết Nguyên đán cận kề, những chiếc áo trắng lại về với Chí Linh, Hải Dương để "chia lửa".

Ngay trong ngày 29-1 đã có 26 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến Chí Linh. Bệnh viện này có khả năng thu dung 260 bệnh nhân và do các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hỗ trợ. 

Tại Bệnh viện dã chiến Trường đại học Y tế kỹ thuật Hải Dương, gần như toàn bộ ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và 26 giáo sư, bác sĩ đến hỗ trợ. Bệnh viện này sẽ cần thêm 15 bác sĩ trong những ngày tới để có thể điều trị và thực hiện các kỹ thuật y khoa như kỹ thuật và dịch vụ đang thực hiện tại Bạch Mai. Bệnh viện này có thể thu dung, điều trị 400 bệnh nhân COVID-19, bao gồm các bệnh nhân chuyển nặng.

Ngày 29-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có văn bản gửi giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, đề nghị Đà Nẵng hỗ trợ kỹ thuật cho Hải Dương bằng cách chuyển cơ sở vật chất và trang thiết bị bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn của Đà Nẵng (bệnh viện thiết lập trong đợt dịch tại Đà Nẵng nhưng thực tế không sử dụng tới do dập dịch hiệu quả) cho Hải Dương.

Tại Quảng Ninh, các y bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng đã đến hỗ trợ ngay cho các bệnh viện đồng hương tại khu vực có dịch.

Một bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang chi viện cho Chí Linh chia sẻ, trưa 29-1 đã có nhiều thùng nhu yếu phẩm được bà con lân cận tiếp tế cho nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến Chí Linh, mặc dù bà con cũng đang ở trong vùng bị phong tỏa. "Những hình ảnh này làm chúng tôi xúc động" - bác sĩ này nói.

Bệnh nhân nhiễm virus chủng biến thể khỏi bệnh

Ngày 29-1, Bộ Y tế có thêm 18 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong số này có bệnh nhân 1.435, nữ bệnh nhân từ Anh về Việt Nam cuối năm 2020 và được phát hiện nhiễm chủng virus biến thể VOC 202012/01 - là chủng mới được ghi nhận ở Anh cuối năm 2020 và hiện đã lan sang hơn 70 nước.

Bệnh nhân 1.435 là ca nhiễm chủng biến thể đầu tiên tại Việt Nam, điều trị tại Trà Vinh và đã có nhiều lần xét nghiệm âm tính.

Khoanh vùng nhanh, truy vết nhanh, diện truy vết rộng

Đây là "kim chỉ nam" cho hoạt động dập dịch hiện nay và bước đầu cho thấy hiệu quả rất rõ. Theo ông Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch này các thôn có từ 2 người mắc trở lên phải lấy mẫu toàn thôn. "Đã có một số cơ sở y tế ở Chí Linh và tỉnh Hải Dương ghi nhận có bệnh nhân, tôi rất lo dịch xâm nhập cơ sở y tế nên phải lấy mẫu tại tất cả các cơ sở y tế" - ông Long yêu cầu.

Do chủng virus ở đợt dịch này là chủng biến thể, nguy cơ lây lan nhanh, ông Long cũng yêu cầu phải những bệnh nhân nặng mới chuyển lên tuyến trên, còn lại thực hiện "4 tại chỗ", trong đó có điều trị tại chỗ. Với việc sắp xếp và hỗ trợ nhân lực, trong đó có cả GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai và đang là tổ trưởng tổ chuyên gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tham gia hỗ trợ, có những cơ sở cho thấy chất lượng điều trị sẽ "tương tự tuyến trung ương" như bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

Sáng nay 34 ca COVID-19 mới, đều lây nhiễm trong cộng đồng, 32 ca ở Chí Linh Sáng nay 34 ca COVID-19 mới, đều lây nhiễm trong cộng đồng, 32 ca ở Chí Linh

TTO - Sáng sớm nay 30-1, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 34 ca mắc COVID-19 mới, hầu hết ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương (32 người) và Quảng Ninh (2 người), chưa lây sang khu vực mới.

LAN ANH - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp