23/02/2014 11:35 GMT+7

Đã khát với nước thốt nốt

CÚC TẦN
CÚC TẦN

TT - Giữa trưa nắng khát khô cổ, trong tôi dậy lên thèm thứ giải khát diệu kỳ: nước thốt nốt. Cứ đến khoảng tháng 2 là quê tôi xưa (Cầu Kè, Trà Vinh) vào sáng sớm xuất hiện mấy người phụ nữ Khmer với chiếc đòn gánh hai đầu toòng teng hai chùm ống tre đong đưa theo nhịp bước.

afcnYp6F.jpg
Từ sáng sớm người đàn ông Khmer leo lên cây thốt nốt lấy nước cho vợ con mang ra chợ bán - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Cứ nhìn thấy hoặc nghe rao: “Nước thốt nốt đây” là bọn trẻ tụi tôi ùa tới vây chặt, mỗi đứa cầm một chiếc ly chứa thứ nước đùng đục đưa lên miệng nuốt ừng ực một cách khoái trá. Cái chất nước ngọt hăng hắc mùi khói khử trùng ống tre ấy sao mà hấp dẫn quá!

Để có nước thốt nốt, từ chiều tối hôm trước đàn ông Khmer leo bám thân tre cột chặt vào thân cây thốt nốt lên tận ngọn, cắt đầu vòi bông, kẹp lại để nước từ trong vòi chảy đầy ống tre buộc hứng bên dưới. Sáng sớm hôm sau, họ leo lên cây lấy những ống tre đựng đầy nước thốt nốt xuống cho vợ con gánh ra chợ bán. Loại thức uống giải khát dân dã ngon ngọt và bổ dưỡng này chỉ có trong mấy tháng mùa khô miền Tây có đông đồng bào Khmer cư ngụ và trồng cây thốt nốt. Sa mưa, mưa già, tìm đỏ mắt không có!

Mấy chục năm qua sống xa quê, qua vài miền đất nước tôi mới bắt gặp ở hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) thốt nốt mọc thành rừng đẹp như tranh. Mùa nắng rong xe đường trường đến đây, bất cứ ai cũng hả hê với ly nước thốt nốt ngọt lừ cổ họng. Tuy nhiên ly nước thốt nốt xứ này ngày nay khác xa loại nước thốt nốt quê tôi xưa. Bởi lúc nào nó cũng lạnh đến tê răng. Lại còn thêm những miếng cơm thốt nốt giòn giòn, sần sật, tái tê nước đá. Người ta còn bán thạch thốt nốt - những viên tròn dẹp màu trắng ngà, giòn mềm và ngọt khoái khẩu khách đường xa.

Ngày nay, nước thốt nốt và các sản phẩm liên quan đều có mặt quanh năm suốt tháng ở An Giang. Nước thốt nốt ngoài uống tại chỗ, người ta còn mua đem về trữ trong tủ lạnh uống dần. Được vậy nhờ nước thốt nốt sau khi chắt được nấu sôi để nguội trước khi ướp đá nên không chua, không hư hỏng...

Đến xứ này khách phương xa còn bị hút hồn với những thỏi đường thốt nốt màu vàng sẫm. Loại này mua về nêm cá kho ngon hết ý, còn nấu chè thì vị ngọt thanh khiến ai cũng khen. Thưởng thức hương vị tinh hoa thốt nốt còn có một thứ ăn chơi mà ai đến Tịnh Biên, Tri Tôn cũng đều nếm thử. Đó là bánh bò thốt nốt và bánh thốt nốt.

Để có món bánh đặc trưng của đồng bào Khmer Nam bộ này, người ta lượm những trái thốt nốt chín mềm vừa rụng lột bỏ vỏ, rút bỏ những sợi gân màu nâu hoặc đen trong từng múi trái nhằm loại bỏ vị đắng. Sau đó mài múi thốt nốt vào lòng rổ để “thịt” tơi nhuyễn ra, rồi vắt lấy nước trộn với bột gạo nhồi thật đều. Nhân bánh làm bằng cơm dừa khô nạo trộn hành lá xắt nhuyễn, muối, đường thốt nốt để tạo mùi riêng cho bánh. Bọc bột quanh nhân, gói hình chữ nhật bằng miếng lá chuối, đem hấp. Chỉ nhìn màu vàng nghệ và ngửi mùi thơm của bánh chín là phát thèm.

Cũng có màu vàng đẹp mắt như màu “thịt” thốt nốt và mùi vị như bánh thốt nốt là bánh bò thốt nốt, nhưng bánh bò thốt nốt không dùng hành lá. Hỗn hợp bột gạo, thịt thốt nốt mài, đường thốt nốt, nước cốt dừa, dằn chút muối cho vào khuôn hấp chín. Đây cũng là một trong những món bánh khoái khẩu của người Khmer Nam bộ được làm thủ công, lạ miệng, hấp dẫn nhiều người.

CÚC TẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp