Đối tượng chính sách P.Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) nhận tiền hỗ trợ bởi ảnh hưởng COVID-19 - Ảnh: Đ.BÌNH
Văn phòng Chính phủ ngày 2-6 có văn bản gửi Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) yêu cầu đẩy nhanh hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo công văn này, sau khi nhận được báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng về hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 của Bộ LĐ-TB&XH, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến yêu cầu bộ đẩy nhanh công tác này.
"Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện nghiêm túc, khẩn trương" các nghị quyết, quyết định về hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, công văn nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 20-5, Bộ LĐ-TB&XH báo cáo sau khoảng một tháng triển khai, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Trong đó số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo là gần 12 triệu người. Người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành phố là gần 4 triệu người.
Tổng số tiền đã chi hỗ trợ các đối tượng tới ngày 20-5 là 17.500 tỉ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỉ đồng)
Báo cáo này thẳng thắn chỉ ra "có địa phương vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ; sai phạm trong việc đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo".
Bộ LĐ-TB&XH cho biết nhóm người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo do thuận lợi trong việc lên danh sách nên triển khai hỗ trợ khá nhanh, có đông người được hưởng chính sách và được hưởng sớm nhất.
Đến ngày 20-5, đã có 6,7 triệu người trong tổng số 11,8 triệu người thuộc diện này đã được nhận tiền hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 11.400 tỉ đồng (đạt gần 60%).
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết cơ quan này cũng như các địa phương đã phát hiện, xử lý một số vụ việc tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Cụ thể tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo. Tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho một số người…
Theo LĐ-TB&XH, đến nay vẫn có một số địa phương triển khai chậm, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chậm trễ trong chỉ đạo, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát, một phần do quá thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót, dẫn đến việc chậm hỗ trợ đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận