03/07/2011 07:13 GMT+7

Đã gần nhau hơn

ANH CHI
ANH CHI

TT - 19g, theo như vé mời ghi là bắt đầu chương trình nhưng khán phòng lớn nhất của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vẫn còn khá vắng vẻ. Mãi đến 20g chương trình mới khai diễn và khán phòng lúc này vẫn còn một vài chiếc ghế trống. Lê Vân, cô sinh viên năm 2 khoa giáo dục học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chia sẻ cô mê nghệ thuật múa ballet nên rất háo hức với chương trình này.

RPUs5LxF.jpgPhóng to
Khán giả cùng các nghệ sĩ biểu diễn lại phần chào hỏi trên sân khấu

Vân cũng thừa nhận “nhưng đây sẽ là chương trình rất kén người xem, vì nghệ thuật múa không phải dễ hiểu, dễ cảm với bất cứ ai”. Có phải vì lý do kén chọn ấy mà chỉ chừng sau 50 phút biểu diễn, khán phòng lại trống đi một nửa, dù chương trình đã được thông báo chỉ kéo dài một tiếng hai mươi phút.

Chương trình “Giai điệu trẻ” tháng 6 với chủ đề “Nghệ thuật múa” được tổ chức vào đêm 29-6 đã diễn ra trong hoàn cảnh như thế, dù rằng ban tổ chức đã rất nỗ lực truyền thông và cả ngàn vé mời đã trao đến tận các cơ sở Đoàn (trường đại học, trung học, quận huyện đoàn).

Theo dõi chương trình cũng thấy ban tổ chức đã khéo léo tổ chức theo hướng cung cấp thông tin dễ hiểu, dễ tiếp thu như kiểu “khai phá” cho những người lần đầu xem múa ballet. Bên cạnh những thước phim ghi lại hình ảnh tập luyện vất vả của các nghệ sĩ, những tiết mục múa trình diễn trên sân khấu được trích từ các tác phẩm nổi tiếng như Con chim xanh, Hồ thiên nga, Chopiana...; nghệ sĩ Đức Thiện, Nguyễn Phúc Hùng đã giải thích thêm với người xem chi tiết từ sự ra đời của múa ballet đến việc múa solo (múa đơn), duo (múa đôi), pas de quatre (múa bốn người) thể hiện điều gì...

Bốn bạn trẻ được mời lên sân khấu để tập nhanh cách đi đứng, chào hỏi trong ballet, cũng là cách nhà tổ chức đã làm cho chương trình không những thêm phần sinh động mà còn giúp khán giả có thêm những kiến thức mang tính cơ bản về loại hình nghệ thuật này.

Để hoàn thành được năm phút của một tiết mục vừa xem, các nghệ sĩ đã phải tập cả một tháng trời, hoặc với kỹ năng múa nhón đầu ngón chân, nhiều nữ nghệ sĩ đêm về phải ngâm chân trong nước muối và móng chân chảy máu liên tục... những thông tin kèm theo ấy đã làm khán giả trầm trồ ngưỡng mộ.

Nửa khán phòng ra về chỉ sau một vài tiết mục đầu cho thấy múa ballet đúng là chẳng dễ gì để hiểu, để cảm. Nhưng nửa khán phòng ngồi lại đã rất say mê với chương trình. Những tràng pháo tay vang lên sau mỗi phần trình diễn khó, đẹp trên sân khấu (cho dù tiết mục chưa hoàn thành). Máy ảnh, điện thoại di động tranh thủ chụp hình ảnh múa đẹp. Những bạn trẻ ghi lại trong sổ tay mình các diễn giải của nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng. Bạn Phương Thảo (Quận đoàn 4) lần đầu xem múa ballet đã chia sẻ: chương trình được thực hiện rất gần gũi, thú vị và đem đến được nhiều kiến thức cho người xem.

“Nghệ thuật múa” là chương trình thứ hai trong chuỗi chương trình mang tên “Giai điệu trẻ” (chương trình đầu tiên đã diễn ra vào ngày 29-5 với chủ đề về opera) do Thành đoàn TP.HCM và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố phối hợp thực hiện định kỳ vào ngày 29 hằng tháng (hoàn toàn miễn phí) đang là những nỗ lực đầu tiên từ phía nhà tổ chức để đem nghệ thuật cao cấp đến với khán giả.

Còn phía các bạn trẻ? Bạn cũng sẵn lòng tìm hiểu? Xin hãy bắt đầu bằng những chuyện lẽ ra những nhà tổ chức đã phải nhắc nhở ngay từ đầu buổi diễn: đừng nói chuyện ồn ào, nhớ tắt điện thoại hoặc chuyển sang chế độ rung, đừng chụp ảnh có đèn flash cũng như đừng tranh chỗ chụp tốt làm khuất tầm nhìn của những khán giả ngồi sau.

ANH CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp