Giới quan sát Nga cho rằng bắt tay với Trung Quốc là lựa chọn "hoàn cảnh" trong tình thế phải đương đầu với Mỹ - Ảnh minh họa: MarketWatch
Gần đây, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc công bố kết quả khảo sát cho thấy phần lớn người dân Trung Quốc đồng tình rằng quan hệ với Mỹ quan trọng hơn các nước khác, còn Nga đứng thứ hai về ưu tiên đối ngoại, xếp trên Liên minh châu Âu (EU).
Cũng theo thăm dò, gần 40% người Trung Quốc nhận định phát triển quan hệ đối tác với Nga là quan trọng, có ảnh hưởng lớn với đất nước. Nga xếp thứ 8 trong số các quốc gia dân Trung Quốc thấy có "cảm tình" nhất.
Ngược lại, Mỹ tuy là đối tác chính trị, làm ăn quan trọng hàng đầu, người Trung Quốc chỉ thích quốc gia này hơn Malaysia và Ý. Chỉ 3,8% người được hỏi muốn đi du lịch Mỹ hơn các nước khác.
Chọn Trung Quốc hay Mỹ?
Trong bài viết đăng trên báo Financial Times gần đây, nhà phân tích Edward Luce bình chọn sự kiện gây ngạc nhiên nhất của năm 2018 là việc giới tinh hoa Washington đạt được "đồng thuận chống Trung Quốc".
Ngạc nhiên ở chỗ "đồng thuận" này được chia sẻ bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ, bởi cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ, bởi các nghiệp đoàn và doanh nghiệp Mỹ, bởi cả hai phe ủng hộ toàn cầu hóa và dân túy.
"Nước Mỹ có thể tranh cãi với nhau trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng lại đoàn kết trước nỗi sợ mang tên Trung Quốc" - ông Luce tóm tắt tình hình.
Quả thật, chống lại Bắc Kinh có lẽ là mặt trận duy nhất Đảng Dân chủ Mỹ đứng về phía Tổng thống Trump.
"Họ (Trung Quốc) cần chúng ta hơn là chúng ta cần họ", ông Chuck Schumer - lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, bình luận như thế về sáng kiến áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc của ông Trump.
Bất chấp việc Mỹ - Trung đang đình chiến để đàm phán, nhìn chung giới doanh nghiệp đang chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh thương mại quy mô sẽ tiếp tục. Thậm chí vài người còn dự báo về "bức màn sắt kinh tế", người khác thì bàn tán về "chiến tranh lạnh mới"…
Chuyên gia Luce nhận định tình bang giao 40 năm giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu rạn nứt, và đối đầu giữa hai cường quốc đặt các nước khác vào tình thế phải chọn phe. "Đây là lựa chọn không mong muốn đối với nhiều nước" - ông viết.
Cũng theo nhà quan sát này, một số quốc gia như Nhật Bản và Singapore cố gắng giữ quan hệ tốt với cả hai "ông lớn", dứt khoát hơn như Nga thì chọn Trung Quốc.
Tổng thống Nga Putin trong một lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS
Nga, Trung Quốc là gì của nhau?
Cách đây vài ngày, đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov nhận xét lệnh cấm vận của Mỹ phần nào đã ảnh hưởng đến hợp tác Nga - Trung Quốc, ví dụ trong giao dịch tài chính, nhưng không vì thế mà làm giảm tốc độ và chất lượng phát triển.
"Nói vậy chứ… giống như làm nông trong thời tiết xấu: Mưa thì mưa, nhưng làm vẫn phải làm" - nhà ngoại giao Nga ví von. Ông mô tả việc các đối tác Trung Quốc lo lắng về tác động gián tiếp của lệnh cấm vận Mỹ đối với công chuyện làm ăn là điều bình thường.
Phát biểu của đại sứ Denisov giống với quan điểm Matxcơva thể hiện trong vài năm gần đây, chính xác là từ lúc cuộc cạnh tranh với Mỹ đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.
Tuy nhiên, giới quan sát tại Nga cho rằng mối quan hệ này mang tính "hoàn cảnh" nhiều hơn là "thực chất".
Ông Kirill Kotkov - lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Viễn Đông tại thành phố St. Petersburg của Nga, nhận định rằng quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga là "không khả thi".
"Trung Quốc là đồng minh, đối tác chiến lược… chỉ là mỹ từ xuất hiện trên truyền thông đại chúng. Từ lâu nay, giới trí thức (tại Nga) đã cảnh báo Trung Quốc chẳng phải đối tác gì đâu, chứ đừng nói đồng minh" - nhà phân tích Nga giải thích.
Liên minh kinh tế, quân sự Nga - Trung là ảo tưởng, vì con đường chiến lược của hai nước không liên quan gì nhau"
Ông Kirill Kotkov - lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Viễn Đông của Nga
"Trung Quốc chỉ muốn tài nguyên của Nga"
Chuyên gia Kotkov nhắc lại chuyện cách đây không lâu, các định chế tài chính của Trung Quốc hùa theo lệnh cấm vận Mỹ chống lại Nga, cụ thể là ngân hàng từ chối phục vụ các giao dịch tài chính và chuyển tiền.
"Trong năm vừa rồi, một con tàu Nga ghé qua cảng Trung Quốc để sửa chữa nhưng bị từ chối thẳng với lý do cấm vận. Đây mới là thái độ thật của Trung Quốc đối với Nga, họ hiểu Nga chẳng đáp trả gì được" - ông dẫn chứng.
Nhà chính trị học của Nga nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chỉ muốn tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào của Nga với giá bèo, trong khi nhà cầm quyền Matxcơva không có cách nào ngăn chặn Trung Quốc mở rộng sang hướng Tây.
"Vài thành viên chính phủ đã bày tỏ quan ngại về tình trạng buôn lậu gỗ sang Trung Quốc. Khi Trung Quốc nghe tin dân Nga tập hợp hơn 600.000 chữ ký đòi chấm dứt tình trạng đốn rừng bán với giá rẻ mạt, truyền thông nước này lập tức đăng tin bài nói vùng Siberia trước đây thuộc về họ…" - ông Kotkov nêu bức xúc.
"Dù sao thì, như người ta nói, rừng của quý vị mục nát hết rồi, cứ để chúng tôi tái chế nó. Nếu (quý vị) không muốn phiền phức, phải bán cho chúng tôi rừng, dầu thô, khí đốt… với giá rẻ mạt" - vị chuyên gia Nga ví von về thông điệp mà Bắc Kinh gửi đến Matxcơva.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận