Với sự nổi lên bần bật của Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai quy tụ từ 50.000 đến cả 100.000 khán giả mỗi concert, soán ngôi 67.000 người xem BlackPink tại Việt Nam năm 2023... khán giả Trung Quốc nhìn Việt Nam kinh ngạc: "Khán giả Việt quá tuyệt vời, Trung Quốc có cả trăm concert không bùng nổ bằng một concert của Việt Nam".
Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ nhắc một lần tên hai concert này khi đánh giá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024, ông nhắc nhiều lần, nhấn mạnh thành công này hoàn toàn đến từ những con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, ca ngợi sức sáng tạo của những người trẻ Việt Nam với các concert.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực UB Văn hóa, giáo dục của Quốc Hội khẳng định hai concert này "không chỉ dừng lại ở giá trị giải trí mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, Việt Nam không chỉ là nơi tiếp nhận mà đã bắt đầu trở thành điểm đến của các sự kiện âm nhạc đẳng cấp".
Học Hàn Quốc đi chậm để thành công
Sự phấn khích ở nghị trường làm người viết bài này nhớ cách đây năm năm đã thích thú như thế nào khi đọc được quyển sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu của Euny Hong, top 10 cuốn sách hay nhất tháng của Amazon.
Euny Hong phơi bày công nghệ quan trọng giúp làn sóng âm nhạc - phim ảnh - video game Hàn Quốc (Hallyu) tấn công vào các nước châu Á, xuất khẩu qua châu Âu và Mỹ.
Đó chính là "công nghệ quản lý" với sự điều hành trực diện, chi tiết của Chính phủ Hàn Quốc nhằm xuất khẩu bằng được sản phẩm văn hóa đại chúng Hàn ra khỏi biên giới.
Tác giả bàng hoàng khi đến thăm Bộ Văn hóa Hàn Quốc và bắt gặp hình ảnh các cơ quan cấp cao nhà nước Hàn cùng nghiên cứu về công nghệ thực tế ảo và ảnh ba chiều siêu thực nhằm tối ưu những chương trình biểu diễn âm nhạc.
Các đời tổng thống cùng Bộ Văn hóa Hàn lập đội đặc nhiệm hỗ trợ công nghiệp văn hóa đại chúng trong chính phủ rồi dần nâng cấp thành những cơ quan quan trọng như "Trung tâm Công nghiệp văn hóa" điều phối số ngân sách hàng trăm triệu USD.
Chính phủ Hàn còn huy động nguồn quỹ hàng tỉ USD từ tư nhân cho công nghiệp văn hóa với mục đích cùng đầu tư tạo ra lợi nhuận.
Sức bật của làn sóng Hàn Quốc chính là từ khó khăn, yếu kém. Đó là tiền đề mà Việt Nam có thể thấy mình trong đó. Không có khủng hoảng kinh tế 1997 với nguy cơ dân tộc nợ nần thì sẽ không có cách mạng công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, "bắt" mọi nguồn lực phải tìm cho ra điểm nhấn để kiếm được tiền và nâng cao hình ảnh đất nước.
Có thể thấy 30 năm trước, Hàn Quốc đã chạm tới công nghệ sân khấu ba chiều siêu thực, thì giờ đây Việt Nam mới khẳng định được những thành công ban đầu khi ứng dụng công nghệ biểu diễn hiện đại của thế giới làm ra những chương trình mang tính đẳng cấp. Bước đi chậm nhưng chúng ta đã dần "chạm được".
Không có làn sóng nào có thể tạo ra từ đơn lẻ được
Chúng ta có thể chậm hơn vì từng nhiều khó khăn, trì trệ, chưa quyết tâm nhưng giờ đây đã chạm được, thì sao nữa?
Đại diện DatVietVAC, đơn vị sản xuất Anh trai say hi, cho rằng thành công của những concert lớn "trả lời đúng với những gì mà khán giả hằng mong đợi từ rất lâu, dùng format thuần Việt, nền tảng văn hóa bản địa, kết hợp với các xu thế đương thời để có thể tạo ra chương trình văn hóa giải trí có tính toàn cầu".
Sự hứng khởi đang truyền đi sự vui mừng có thật, concert này vừa xong đã có kế hoạch cho concert khác, vé cho các concert bán ra được đón nhận ở mức phải "truy lùng" nhưng nhiều câu hỏi từ người trực tiếp làm văn hóa vẫn còn liên tiếp được đặt ra.
Đạo diễn Việt Tú băn khoăn: "Để có một nền công nghiệp đúng nghĩa, cần duy trì các chỉ số thành công này đều đặn, dài hạn. Cần chính sách đặc biệt cho những sự kiện dạng này. Cần sự chung tay lớn chứ không chỉ là những doanh nghiệp hay dự án đơn lẻ".
Không có làn sóng nào có thể tạo ra từ đơn lẻ được, điều đó người làm văn hóa nào cũng biết. Chúng ta sẽ xuất đi như Hàn Quốc hay làm điểm đến như Thái Lan, Singapore thì đều cần tham vọng và lộ trình thực hiện mang tầm vóc thành phố, quốc gia.
Và vì vậy Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 của TP.HCM xác định tám ngành tiềm năng, cũng như 14 nhiệm vụ trọng tâm phát triển công nghiệp văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành theo chỉ thị của Thủ tướng - đều là những dấu hiệu rõ ràng của "tham vọng Việt Nam".
Nhưng người làm văn hóa vẫn chờ đợi từ đây những quyết sách cụ thể và mãnh liệt hơn nữa: trong xác định mũi nhọn đặc sắc cho các sản phẩm văn hóa đại chúng Việt Nam; trong gỡ rối các chính sách hợp tác công tư để hình thành những quỹ hỗ trợ thực lực có tầm ảnh hưởng thực sự, chính sách thuế mang tính khuyến khích sáng tạo, chiến lược đào tạo tiệm cận trình độ thế giới... và đặc biệt là những "đội đặc nhiệm" trong chính quyền, chỉ chuyên biệt dành cho công nghiệp văn hóa.
Chiến lược quốc gia xem văn hóa như là quyền lực mềm nhưng chính sách đi cùng phải thực sự liên quan đến nhau, đó là tâm nguyện của rất nhiều người đang tâm huyết với công nghiệp văn hóa của quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận