14/06/2020 10:04 GMT+7

Đã đến lúc tiết kiệm tiền rác

XUÂN LONG ghi
XUÂN LONG ghi

TTO - Không có chuyện cân rác nhưng xả rác nhiều và không phân loại rác sẽ phải tốn tiền nhiều. Làm cách nào để định lượng rác để tính tiền? Từng nhà sẽ phân loại rác ra sao để tiết kiệm tiền rác?

Đã đến lúc tiết kiệm tiền rác - Ảnh 1.

Một chung cư ở Q.Gò Vấp, TP.HCM phân loại rác sinh hoạt vô thùng xanh và rác tái chế vô thùng cam - Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến, thông tin rõ hơn về vấn đề tiền rác, thu gom rác theo dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và hướng thực hiện tại Việt Nam.

* Ông Nguyễn Thượng Hiền (phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường):

Tự phân loại rác sẽ đỡ tốn tiền

Đã đến lúc tiết kiệm tiền rác - Ảnh 2.

Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến, nội dung quản lý chất thải rắn dự kiến thay đổi theo nguyên tắc "thu phí xử lý rác thải theo khối lượng, người xả nhiều rác phải trả nhiều tiền". Tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải sinh hoạt, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn.

Dự thảo luật chia thành 5 loại chất thải gồm: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm - chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. 

Việc này làm căn cứ cho việc thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

Mỗi năm cả nước phát thải khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn. Phương pháp xử lý hiện nay có tới 70% là chôn lấp, 30% còn lại chế biến thành phân vi sinh, đốt phát điện... 

Thực tế phân loại rác tại nguồn thời gian qua ở một số địa phương chưa thành công. Các loại rác trộn lẫn vào nhau làm khối lượng rác phải xử lý càng lớn hơn.

Tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải mà không thực hiện việc phân loại, gom tất cả rác thải cho vào một túi, số lượng rác thải phải thu gom, xử lý sẽ nhiều, đương nhiên phải trả tiền nhiều. 

Còn nếu chủ động phân loại rác, lượng rác có thể tái chế được sẽ bán thu được tiền hoặc nhà sản xuất thu hồi, như vậy sẽ chỉ phải trả tiền với lượng rác thải phải thu gom, đưa đi xử lý.

* Ông Phan Tuấn Hùng (vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và môi trường):

Sẽ có nhiều loại túi đựng rác

Đã đến lúc tiết kiệm tiền rác - Ảnh 3.

Thực tiễn cũng đã chỉ ra nguyên nhân khiến việc phân loại rác tại nguồn chưa thành công, đó là mới chỉ "hô hào", chưa có cơ chế khuyến khích, chưa tạo ra động lực về kinh tế để người dân thực hiện.

Hình thức thu phí xử lý chất thải sinh hoạt dựa trên khối lượng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đúng theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Ai xả rác nhiều, ai gây ô nhiễm nhiều phải trả tiền nhiều. 

Ngược lại, cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu xả rác hoặc chủ động phân loại rác tại nguồn thì chỉ phải trả tiền với lượng rác phải đưa đi xử lý.

Dự thảo luật lần này theo kinh nghiệm quản lý chất thải sinh hoạt của các nước đã làm thành công như Hàn Quốc, Đài Loan. 

Tại Hàn Quốc, người ta phân loại chất thải làm 3 nhóm. Nhóm chất thải thực phẩm - thức ăn thừa được quy định đưa vào bao bì (màu xanh) được thiết kế không rò rỉ, không bị bục vỡ, kín khít, chuyên dùng cho thực phẩm thừa. 

Nhóm rác hỗn hợp, sau khi tách thực phẩm thừa ra đưa vào bao bì chứa không rò rỉ (màu vàng), có thể tái sử dụng. Nhóm thứ ba là các loại rác thải tái chế, loại rác này có thể đựng bao bì nào cũng được.

Bao bì được bán theo hai giá: giá bao bì để chứa và giá bao bì đã gồm cả phí thu gom, vận chuyển, xử lý với rác thải phải đưa đi xử lý. 

Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định thêm về chất thải nguy hại. Mô hình này dự kiến áp dụng trước ở những thành phố lớn, khu vực nông thôn thì chỉ khuyến khích.

* Ông Kim In Wan (nguyên thứ trưởng môi trường Hàn Quốc):

Việt Nam sẽ mất khoảng 5 năm

Đã đến lúc tiết kiệm tiền rác - Ảnh 4.

Năm 1995, Hàn Quốc quyết định ban hành chính sách thu phí chất thải dựa trên khối lượng, trở thành nước đầu tiên áp dụng việc thu phí theo khối lượng ở phạm vi toàn quốc. Trước đó Nhật Bản cũng áp dụng nhưng chỉ ở một số thành phố.

Phương thức thu phí được thực hiện thông qua việc bán túi thu gom, với giá tùy theo kích cỡ cụ thể của túi. Chính phủ quy định bắt buộc người dân xả thải trong túi này, riêng rác thải có thể tái chế được thì không cần thu gom vào túi.

Giá của túi thu gom chiếm 40% tổng chi phí xử lý rác, nhà nước bù 60% còn lại, đến nay đã nâng lên được 60 - 70% tùy từng địa phương. 

nhiên, khó khăn lớn nhất ở Hàn Quốc là ban đầu các gia đình tiếc tiền nên họ không muốn dùng túi thu gom mà dùng túi khác. 

Để khắc phục, chính quyền địa phương quyết định cơ quan thu gom rác thải sẽ không thu gom những túi rác không đúng chủng loại. Khu vực đấy sẽ trở nên bẩn thỉu, buộc cộng đồng dân cư ở đó phải có cơ chế tự giám sát để ngăn việc xả trộm. 

Nếu Việt Nam thực hiện ngay thì mất khoảng 5 năm để việc thu phí theo khối lượng được trơn tru. Đây là câu chuyện của chính quyền địa phương, vì luật chỉ đưa ra khung, còn việc thu ở đâu, như thế nào, thành công hay không thì hoàn toàn ở các địa phương. 

Khu vực thành thị ở Việt Nam có thể áp dụng thu phí ngay giống như Hàn Quốc. Tuy nhiên ở nông thôn cần có chính sách riêng.

Tiền rác sẽ xác định như thế nào?

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, dự thảo luật quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết phí thu gom, vận chuyển xử lý rác.

Chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của quy định.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, dự thảo luật tính toán mức thu khoảng 20 - 50% kinh phí xử lý tùy theo từng địa phương.

Làm cách tính nào xác định trọng lượng rác của mỗi hộ gia đình thải ra hằng ngày để thu tiền? Ông Hùng cho biết với nguyên tắc thu phí xử lý rác theo khối lượng, khi triển khai, sẽ có các loại bao bì chứa với nhiều kích cỡ khác nhau, có thể 3-5-10kg.

"Với loại bao bì có phí thu gom, vận chuyển, xử lý thì tương ứng với kích cỡ của bao bì là số tiền phí phải trả. Số tiền tương ứng với mỗi ký là bao nhiêu sẽ do địa phương quy định. Như vậy, với loại túi 3kg mua về, nếu người dân chứa hết 3kg rác thải phải xử lý, khi được thu gom thì coi như đã trả xong phí" - ông Hùng lý giải.

Xả rác ít, trả tiền ít Xả rác ít, trả tiền ít

TTO - Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tình hình gia tăng rác thải sinh hoạt là đáng báo động, do vậy cần nhiều biện pháp tối ưu để khắc phục, xử lý rác.

XUÂN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp