Tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè, TP.HCM), các shipper, người ra đường không rõ lý do chính đáng... phải quay trở về - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong ngày, lực lượng chức năng vừa nhắc nhở, đồng thời xử phạt nhiều trường hợp ra đường không thật sự cần thiết.
1.001 lý do để ra đường
Ghi nhận trong ngày dù số lượng phương tiện lưu thông ngoài đường giảm nhiều so với trước nhưng tình trạng người dân đi lại trên nhiều tuyến đường vẫn còn xảy ra. Lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát, đội lưu động đã kiểm tra xử lý kiên quyết đối với các trường hợp ra đường không thật sự cần thiết.
Đối với lực lượng giao hàng công nghệ như Grab, Gojek, Now... phải có giấy xác nhận của công ty, trực tiếp hoặc gửi qua email. Nếu không thì trong ứng dụng (app) của tài xế phải có đơn hàng khách đang đặt có địa chỉ cụ thể.
Tình hình diễn ra tương tự trên địa bàn quận 1. Thiếu tá Đinh Tiến Dũng, phó đội trưởng đội cảnh sát giao thông - trật tự quận 1, cho biết ngoài 10 chốt kiểm soát dịch, Công an quận 1 còn bố trí lực lượng tuần tra lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chỉ thị 16. "Tuyên truyền cũng đã tuyên truyền rồi, giờ là lúc chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp ra đường không chính đáng. Trong những ngày qua lực lượng chức năng, nhất là đội ngũ y tế làm việc rất cực khổ rồi, mong người dân hãy chấp hành nghiêm quy định giãn cách để góp phần phòng chống dịch hiệu quả hơn" - thiếu tá Dũng chia sẻ.
Còn tại một số cửa ngõ TP.HCM giáp ranh các tỉnh lân cận như chốt cầu Vĩnh Bình (quốc lộ 13), việc kiểm tra giấy tờ người dân được thực hiện liên tục. Tất cả xe chạy hướng Bình Dương đi TP.HCM đều được mời vào khai báo y tế, kiểm tra giấy thông hành, nếu đầy đủ điều kiện sẽ được đóng dấu mộc đỏ lên tay và cho qua chốt.
Trong khoảng 30 phút có 90 - 100 xe các loại đi đến chốt này, đa số đã chuẩn bị sẵn các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, một vài trường hợp có giấy xét nghiệm âm tính nhưng không có giấy phép xác nhận lý do đi lại để phục vụ cho hoạt động thiết yếu, đều bắt buộc phải quay đầu.
Huy động toàn lực chống dịch
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch và công tác phòng chống dịch sáng 25-7, UBND TP.HCM cho biết TP đã huy động toàn bộ lực lượng y tế cả công lập và tư nhân để tham gia phòng chống dịch. Theo ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP, hiện có 59 bệnh viện tư nhân và 200 phòng khám tư nhân đã cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia lực lượng chống dịch, nhất là trong việc tiêm vắc xin. Sắp tới TP sẽ thành lập bệnh viện thu dung F0 không có triệu chứng với 50.000 giường, cần thêm 3.000 bác sĩ và điều dưỡng.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM PHAN VĂN MÃI:
Tính đến tình huống xấu hơn, khởi động kịch bản 3
Trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau, tình hình diễn biến phức tạp, khó lường có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách từ chính người dân và việc kiểm soát của cơ quan chức năng. Chúng ta phải nhận thấy rằng việc này cực kỳ nguy hiểm, nếu không dừng lại tình hình dịch sẽ tồi tệ hơn...
Đề nghị các cấp, các ngành, toàn thể người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách, tuyệt đối không được ra ngoài. Những trường hợp ra ngoài phải được quy định cụ thể, hạn chế thấp nhất. TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát để thực hiện nghiêm việc giãn cách, hạn chế tối đa việc ra đường và tiếp xúc với nhau.
TP thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 1-8 nhưng cũng có thể kéo dài trong 2 tuần. TP.HCM cũng phải tính tới tình huống xấu hơn như khởi động kịch bản 3. Việc này không chỉ các cơ quan chức năng mà ngay cả người dân phải có ý thức và tâm thế chuẩn bị...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận