Thực tế, dù đã trúng tuyển sớm nhưng không ít thí sinh vẫn đang lúng túng, chưa biết chọn ngành nào, trường nào và phải làm gì để được trúng tuyển chính thức. Các chuyên gia cũng cảnh báo: "Coi chừng đã đủ điều kiện trúng tuyển nhưng... rớt đại học".
Tất cả phải đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), từ ngày 10-7 đến 17h ngày 30-7 quy định bắt buộc tất cả thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023 trên hệ thống của Bộ GD-ĐT (http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/) hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
"Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất" - ông Hùng lưu ý.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết hiện không ít thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm ở nhiều trường đại học nhưng chưa phải trúng tuyển chính thức nên cần thật cẩn trọng để tránh rớt oan.
Hiện các trường đã cập nhật danh sách đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống. Những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm cần rà soát lại thông tin các nguyện vọng trúng tuyển của mình trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Có nên đăng ký xét tuyển thêm điểm thi THPT?
Một câu hỏi đang được rất nhiều thí sinh đặt ra: "Đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT có khác gì so với xét học bạ? Em đã đủ điều kiện trúng tuyển học bạ rồi, có nên đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT nữa hay không?".
Về việc này, TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho hay: "Với thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm học bạ THPT, đánh giá năng lực... theo quy định của Bộ GD-ĐT, các bạn vẫn phải đăng ký lại nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung.
Nếu thật sự yêu thích ngành, trường đã đủ điều kiện trúng tuyển ở phương thức nào đó chỉ cần đăng ký nguyện vọng 1 ngành, trường đó lên hệ thống thì chắc chắn sẽ trúng tuyển. Đối với xét tuyển bằng điểm thi THPT, sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm sàn) của phương thức này".
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng lưu ý: "Với quy định chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất, nếu thí sinh thật sự yêu thích ngành, trường nào đó đã đủ điều kiện trúng tuyển thì nên đặt nguyện vọng 1.
Nếu còn lăn tăn thì đăng ký xét bằng điểm thi THPT theo thứ tự ưu tiên ngành mình yêu thích, phù hợp với năng lực của mình, đồng thời phải đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm bên dưới.
Khi đó, nếu không trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi THPT thì vẫn đảm bảo việc thí sinh trúng tuyển. Thực tế hiện nay do các bạn đủ điều kiện trúng tuyển quá nhiều phương thức, có nhiều lựa chọn nên cần phải cân nhắc thật kỹ khi sắp xếp nguyện vọng trên hệ thống".
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - lưu ý thêm dù thí sinh trúng tuyển sớm nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng sau khi Bộ GD-ĐT lọc ảo dựa trên việc đăng ký lại nguyện vọng của thí sinh trên hệ thống chung, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, không có chuyện thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, trường khác nhau.
Do vậy, nếu không đăng ký nguyện vọng hoặc đăng ký ngành đủ điều kiện trúng tuyển là các nguyện vọng sau (2, 3, 4...) và đã trúng tuyển các nguyện vọng trước, thí sinh sẽ không được công nhận trúng tuyển vào trường theo ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển.
Đăng ký theo mã tuyển sinh
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng đặc biệt lưu ý thí sinh hết sức cẩn trọng khi đăng ký, sắp xếp lại nguyện vọng xét tuyển.
"Năm nay, Bộ GD-ĐT đã cải tiến phần mềm hỗ trợ thí sinh để tránh sự nhầm lẫn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khi đăng ký xét tuyển. Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ, thí sinh chỉ đăng ký theo mã tuyển sinh (mã nhóm ngành, ngành hoặc chương trình) và không phải chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh lựa chọn căn cứ để xét tuyển, gồm: thứ tự nguyện vọng; mã trường, tên trường; mã tuyển sinh muốn đăng ký xét tuyển (không đăng ký chi tiết đến các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển)".
Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học 2023
Trước tuần cuối cùng các thí sinh phải chốt nguyện vọng xét tuyển đại học, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học.
Ngày hội diễn ra vào ngày 22-7 (thứ bảy), đồng thời tại Hà Nội (ĐH Bách khoa Hà Nội, số 1 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng) và TP.HCM (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, 268 Lý Thường Kiệt, quận 10), đúng vào lúc mọi sự quan tâm của thí sinh sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT đổ dồn vào việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.
Ngày hội vào cửa tự do và có nhiều quà tặng hấp dẫn cho thí sinh, phụ huynh. Tại mỗi ngày hội có 150 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các đơn vị giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận