PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: XUÂN MAI
Sáng 29-5, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức dẫn đầu trong các sáng kiến y tế toàn cầu (PATH) phối hợp tổ chức hội thảo và thông báo sơ kết thí điểm Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - cho biết phần lớn tỉ lệ các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV có xu hướng giảm.
Cụ thể, trước đây tỉ lệ nhóm nghiện chích ma túy chiếm 29-30% thì hiện nay giảm còn 9-10%, ở phụ nữ bán dâm cũng giảm từ 5% xuống 2,5%...
Riêng tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng cao. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, tỉ lệ nhiễm HIV của nhóm này tăng lên 11%, mặc dù trước đây chiếm 5-6%. Đặc biệt tại TP.HCM, vào năm 2017 tỉ lệ này tăng lên 15%.
"Chúng tôi đang tập trung làm thế nào giảm được tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM. Và hiện nay, chúng tôi đã có một giải pháp rất hay, rất quý, rất hiệu quả là sử dụng dịch vụ Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Tôi mong rằng PrEP sẽ mở rộng, giúp đáng kể các ca nhiễm HIV mới, đẩy nhanh kiểm soát dịch và loại trừ HIV ở nước ta" - ông Long bày tỏ.
PrEP đã bắt đầu được cung cấp cho nhóm MSM, chuyển giới nữ và bạn tình âm tính trong các cặp dị nhiễm tại TP.HCM từ tháng 3-2017 và mở rộng ra Hà Nội từ tháng 3-2018.
Hiện nay có hơn 1.200 người có nguy lây nhiễm cao HIV đã và đang tham gia sử dụng PrEP tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với tỉ lệ duy trì khoảng 78%.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - khẳng định kết quả ban đầu của Dự án thí điểm triển khai PrEP vừa qua hết sức quan trọng, là bằng chứng giúp Bộ Y tế đã quyết định đưa PrEP vào hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Trong đó, dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV chính thức là một trong những biện pháp dự phòng HIV ở Việt Nam.
"Kết quả này cũng giúp Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với các đối tác mở rộng việc triển khai PrEP, trước mắt 11 tỉnh, thành phố với mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt được 5.610 người sử dụng PrEP và đến cuối năm 2020 đạt được 7.300 người" - bà Hương nói.
Từ năm 2015, WHO đã khuyến cáo sử dụng PrEP như một phần chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su ở những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hiểu hơn về PrEP
PrEP bắt đầu ở Thái Lan, tại phòng khám ẩn danh của Hội chữ thập đỏ. Tại đây, PrEP triển khai song song với việc tăng cường sàn lọc HIV cho các nhóm nguy cơ cao để tăng hiệu quả chi phí cho công tác sàn lọc HIV.
Dưới sự đồng ý đưa PrEP vào Hướng dẫn quốc gia, sự nhất trí của Chính phủ, sự chấp thuận của Ủy ban Phòng chống AIDS quốc gia... hiện nay PrEP đã đạt được những thành công nhất định tại Thái Lan.
PrEP là một biện pháp can thiệp chi phí - hiệu quả, và thậm chí còn hiệu quả hơn nếu giá thuốc giảm xuống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận