Giám thị trao đổi với HS tại một trường THCS. Đây là lực lượng giữ vai trò giám sát nề nếp, kỷ luật và sự an toàn của HS trong nhà trường hiện nay - Ảnh: N.Hùng |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Năm 1988 Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 88 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.
Từ đó đến nay, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình phát triển của khoa học giáo dục, nhiều quan niệm về đánh giá, khen thưởng, kỷ luật học sinh đã thay đổi.
Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện tiếp tục việc điều chỉnh, bổ sung đồng bộ các quy định, hướng dẫn về khen thưởng, kỷ luật học sinh trong các văn bản quản lý, chỉ đạo của ngành. Theo tinh thần chung là khen thưởng hay kỷ luật cũng đều là biện pháp giáo dục và tự giáo dục, vì sự tiến bộ của học sinh |
Thứ trưởng NGUYỄN VINH HIỂN |
Chỉ có thể nêu lên các định hướng, nguyên tắc chung
Cũng theo Thứ trưởng Hiển:
- Từ năm 2010-2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường trung học.
Trong các điều lệ đều dành hẳn một chương về học sinh, quy định rõ về nhiệm vụ của học sinh, quy định hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của học sinh, những điều học sinh không được làm, quy định về khen thưởng, kỷ luật.
Riêng về kỷ luật, đối với học sinh tiểu học chỉ có hai hình thức là nhắc nhở, phê bình và thông báo với gia đình; đối với học sinh trung học có các mức từ phê bình, khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi học có thời hạn.
Để quản lý, giáo dục học sinh, nhà trường dựa theo các quy định trong điều lệ, triển khai các giải pháp cụ thể, kèm theo đó là các hình thức kỷ luật học sinh mềm dẻo hơn, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Từ năm 2009, được sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Bộ GD-ĐT đã biên soạn tài liệu, tập huấn giáo viên và chỉ đạo nhân rộng áp dụng “phương pháp kỷ luật tích cực”.
Theo đó, giáo viên và nhà quản lý giáo dục áp dụng các hình thức giáo dục phù hợp, khuyến khích tính tích cực, không sử dụng đến các hình thức trừng phạt để giúp học sinh giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố các hành vi tích cực và phát triển nhân cách một cách toàn diện, bền vững.
Trong hai năm 2012 và 2013, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn về phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường phổ thông cho 40 trường / khoa sư phạm và 63 sở GD-ĐT trong cả nước.
* Trước rất nhiều vấn đề bất cập liên quan tới đạo đức, lối sống của học sinh, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một là ý kiến cho rằng chế tài đối với học sinh phổ thông hiện nay quá nhẹ, nhất là những lỗi chưa nghiêm trọng tới mức phải đuổi học nên không đủ răn đe. Nhưng ý kiến ngược lại thì cho rằng quy định kỷ luật hiện nay không tích cực, quá cứng nhắc. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Trong thực tế có rất nhiều hình thức mắc lỗi của học sinh phổ thông ở trong và ngoài nhà trường. Văn bản pháp lý không thể hướng dẫn các hình thức xử lý phù hợp với tất cả các lỗi cụ thể, chỉ có thể nêu lên các định hướng, nguyên tắc chung.
Nhà trường cần linh hoạt thực hiện các giải pháp phù hợp với từng lỗi cụ thể, hoàn cảnh mắc lỗi, điều kiện giáo dục và tâm sinh lý học sinh. Điều quan trọng là cùng với các hình thức kỷ luật phải luôn kèm theo các giải pháp giáo dục, yêu cầu học sinh hoàn thành nhiệm vụ cụ thể trong học tập, lao động và sinh hoạt... và phối hợp trách nhiệm giữa nhà trường, gia đình, xã hội để phân công người kèm cặp, giúp đỡ các em.
Nếu học sinh vi phạm kỷ luật do mâu thuẫn với người khác thì các biện pháp kỷ luật và giáo dục phải đồng thời đạt đến sự cảm thông, hòa giải giữa các em với các đối tượng đó.
Bộ GD-ĐT khuyến khích nhà trường sáng tạo trong việc áp dụng các hình thức và mức chế tài tích cực; nghiêm cấm các hình thức kỷ luật có tính chất bạo hành, xúc phạm thân thể, tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.
Đình chỉ học tập chỉ áp dụng khi hết sức cần thiết!
* Đình chỉ học tập đối với học sinh (đuổi học - PV) một tuần, một tháng, một năm là mức chế tài nặng nhất trong quy định hiện hành, nhưng nhiều nhà trường đang nhận ra việc này có thể đẩy những học sinh phạm lỗi vào con đường thất học, phạm tội nặng hơn... Nhiều trường đã chủ động "lách luật" bằng cách cho đuổi học "treo". Quan điểm của ông về việc này ra sao? Nên chăng quy định mới cần bỏ mức chế tài "đuổi học"?
- Đình chỉ học tập có thời hạn là mức chế tài nặng nhất đối với học sinh trung học, được quy định trong văn bản pháp lý hiện hành. Nhưng đình chỉ học tập có thời hạn không có nghĩa là các nhà trường, thầy cô giáo hết trách nhiệm, bỏ mặc học sinh.
Trong thời gian học sinh bị đình chỉ học tập, để có điều kiện suy nghĩ và sửa chữa những lỗi lầm của mình, nhà trường, thầy cô giáo cần phối hợp với gia đình, địa phương, các tổ chức Đoàn, Hội, bạn bè theo dõi, giúp đỡ các em điều chỉnh hành vi, thái độ.
Nhà trường có trách nhiệm nhận học sinh trở lại trường sau khi các em đã thay đổi, và cần có các biện pháp phù hợp, tế nhị để giúp các em ngay từ khi bị đình chỉ đến trường và sau khi được trở lại trường, bảo đảm theo kịp tiến độ các hoạt động giáo dục của trường.
Hình thức kỷ luật đình chỉ học tập có thời hạn chỉ nên áp dụng khi hết sức cần thiết, không còn cách nào khác, để tránh ảnh hưởng xấu nghiêm trọng đến môi trường giáo dục; chỉ áp dụng với học sinh tái phạm nhiều lần mặc dù đã được nhà trường, thầy cô sử dụng các hình thức giúp đỡ, giáo dục, răn đe khác mà không có tác dụng.
* Hướng tới thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện, trong đó phát triển năng lực, phẩm chất người học, theo ông, cần có những thay đổi như thế nào trong giáo dục đạo đức học sinh?
- Thực hiện quan điểm chỉ đạo “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học", bên cạnh việc xây dựng nội dung giáo dục hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân, nhà trường cần tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các nhà trường cần chú trọng việc đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các hoạt động giáo dục có tính chất thiết thực, chuyển từ hình thức chủ yếu của giáo dục là ở trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động trải nghiệm xã hội, các hoạt động Đoàn - Đội, tình nguyện, từ thiện, diễn đàn, câu lạc bộ...; xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn của học sinh.
Việc đánh giá học sinh cần coi trọng quan sát hành vi, cách thức các em ứng xử, giải quyết các mối quan hệ, các vấn đề của cuộc sống.
Để làm được như vậy cần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để mỗi giáo viên trước hết phải là một nhà giáo dục, một công dân gương mẫu; xây dựng hành lang pháp lý cho việc phát triển các mô hình tư vấn, tham vấn học đường; thực hiện cơ chế giáo dục “mở”, không để xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
“Cần dạy học sinh bao dung, tha thứ, yêu thương...” Những hình thức phê bình, khiển trách, đuổi học một tuần rất ít tác dụng. Hình thức kỷ luật phải tác động được tới ý thức, xúc cảm, niềm tin, thức tỉnh sự sám hối khiến học sinh tự nhận lỗi, sửa chữa thì mới có tác dụng thật sự bền vững. Bởi vậy hơn lúc nào hết, ngành GD-ĐT cần nghiên cứu, xây dựng các biện pháp kỷ luật học sinh mới mẻ hơn. Nhà trường không nên chỉ nghĩ đến những hình thức “kỷ luật thép” cứng nhắc, mà cần những cách làm tác động được tới lương tri, tình cảm, khiến học sinh dám đương đầu với sai lầm của bản thân và học cách chuộc lỗi. Bên cạnh đó nhà trường, thầy cô giáo cần dạy học sinh cách bao dung, tha thứ, yêu thương. Vì hơn hết, sự bao dung và yêu thương là một giải pháp mềm nhưng có thể tác động trực tiếp và sâu sắc tới tâm hồn trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận