Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho biết mặc dù không nằm trong top 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II nhưng OCB đã tiến hành triển khai dự án ngay sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Kể từ đầu năm 2017, cùng với sự hợp tác của tổ chức DBS, ngân hàng này đã triển khai hạng mục cuối cùng của dự án là quy trình đánh giá mức độ đầy đủ vốn nội bộ.
Quy trình này giúp Ngân hàng đánh giá tốt hơn nhu cầu vốn cần thiết để bù đắp rủi ro ở hiện tại và trong tương lai, bao gồm cả mức đệm vốn cần thiết trong các tình huống căng thẳng.
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng.
Hiệp ước về vốn Basel II được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.
Theo đó, tỉ lệ vốn bắt buộc tối thiểu vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro, nhưng rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thị trường và trọng số rủi ro bao gồm nhiều mức, từ 0% đến 150% hoặc hơn.
Việt Nam chưa phải là thành viên của Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng, do đó không bị ràng buộc bởi thời hạn phải tuân thủ các Hiệp ước Basel.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật và quy định theo định hướng Basel II.
Tháng 2-2016, 10 ngân hàng gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB được Ngân hàng Nhà nước chọn thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II cho đến cuối năm 2018.
Sau giai đoạn này, Basel II sẽ được áp dụng rộng rãi tại các ngân hàng thương mại còn lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận