Rất cũ là vì kịch bản Dạ cổ hoài lang được tác giả Thanh Hoàng viết và đạo diễn Công Ninh dàn dựng cách đây đúng 20 năm, công diễn hơn 1.000 suất ở cả hai miền, đã thay bao nhiêu đời diễn viên và lấy nước mắt của bao nhiêu thế hệ khán giả khác nhau.
Nhưng rất mới, bởi lần đầu tiên Dạ cổ hoài lang được đi ra ngoài khuôn khổ của sân khấu 5B để đánh dấu tuổi 20 của mình ở sân khấu “hot” nhất hiện nay là Idecaf.
Nguyên nhân theo tác giả Thanh Hoàng thì không hề có sự xích mích nào, chỉ là anh muốn nhìn thấy lại đứa con tinh thần của mình sau 20 năm, vì từ sau khi NSƯT Thành Lộc chuyển về Idecaf, Lê Vũ Cầu mất, Hoài Linh bận rộn với sân khấu riêng và bản thân Thanh Hoàng tạm ngưng diễn thì gần như không còn nghệ sĩ nào đủ sức tải được vai ông Tư.
Anh nghĩ hay là để ông Tư trở về với “cố nhân” Thành Lộc - người đầu tiên và cũng là người thành công nhất với vai diễn này.
Tin này khiến hầu hết những người yêu sân khấu khấp khởi mừng và mong chờ đến ngày được nhìn thấy lại một ông Tư Thành Lộc dễ thương và đáng thương qua nét diễn xuất thần mà vẫn chân thật. NSƯT Thành Lộc từng tâm sự rằng 10 năm gắn bó với ông Tư qua gần 400 suất diễn, thị lực của anh trở nên kém hẳn vì lần nào diễn cũng khóc quá nhiều, mắt sưng húp đến nỗi nhiều đêm không thấy đường chạy xe về nhà.
Ở lần trở lại này, ông Tư của Thành Lộc dường như sâu lắng hơn với tuổi đời, những trải nghiệm và cả sự điêu luyện trong từng ánh mắt, nét mặt, điệu bộ, dáng vẻ.
Trong khi ông Tư trở về với Thành Lộc sau nhiều năm thì vai diễn ông Năm - người bạn già cùng cảnh ngộ với ông Tư - lại lần đầu tiên tạm xa NSƯT Việt Anh trong suốt 20 năm qua bằng diễn xuất của NSƯT Hữu Châu.
Cả Việt Anh hay Hữu Châu đều là những nghệ sĩ xuất sắc nhất của làng kịch nói Sài Gòn chuyên trị những vai lão. Hữu Châu bằng nội lực và kinh nghiệm của mình đã tạo nên một ông Năm mới mẻ, dí dỏm nhưng vẫn đầy những uẩn ức và tâm trạng.
Ðạo diễn Vũ Minh cho biết mình khá áp lực khi nhận kịch bản này bởi bản dựng của Công Ninh đã quá nổi tiếng và khắc sâu vào ký ức của nhiều khán giả.
Nhưng thời gian đã trôi qua, có những nỗi niềm xưa nay đã không còn quá khắc khoải, những sự xa cách nay cũng không làm con người ta đau đáu như trước, một số chi tiết và lời thoại cũng không còn phù hợp.
Vậy nên bản dựng mới của Vũ Minh có sự gia giảm và thêm bớt ít nhiều để phù hợp với những tâm tư, khát vọng của nhiều thế hệ người Việt ở nước ngoài ngày nay, tiết tấu kịch cũng nhanh hơn và tươi hơn.
Tuy nhiên, vở vẫn giữ đúng chất kịch tự sự tinh tế, như một lời thủ thỉ nhẹ nhàng, như một niềm hoài hương trĩu nặng.
Dạ cổ hoài lang chỉ với bốn nhân vật gồm hai ông bạn già, cô cháu gái, người bạn trai cùng những cuộc chuyện trò vậy mà đã khiến khán giả thời đó xếp hàng dài mua vé, mỗi ngày diễn liên tục ba suất. Ở lần trở lại này, Dạ cổ hoài lang cũng đang gây sốt không kém khi vé của những suất diễn đầu tiên đã được khán giả săn lùng từ trước đó nhiều tuần. Giữa thời điểm các vở kịch kinh dị đang thống lĩnh sân khấu thành phố thì sự trở lại của ông Tư, ông Năm như một nốt trầm sâu lắng ấm áp. Vở kịch sẽ được công diễn từ ngày 6-12. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận