Hà Nam là một trong những địa phương sớm triển khai chi trả tiền hỗ trợ cho người dân - Ảnh: Đ.BÌNH
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung vừa ký cho biết số liệu trên.
Theo báo cáo, số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo là gần 12 triệu người. Người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành là gần 4 triệu người.
Tổng số tiền đã chi hỗ trợ tới ngày 20-5 là 17.500 tỉ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỉ đồng).
Báo cáo của Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng thẳng thắn chỉ ra "có địa phương vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ, sai phạm trong việc đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo".
Đến nay đã có 6,7 triệu người trong tổng số 11,8 triệu người thuộc diện thụ hưởng đã nhận tiền hỗ trợ với tổng kinh phí gần 11.400 tỉ đồng (đạt gần 60%), trong đó có 34 tỉnh, thành cơ bản chi trả xong. Hiện vẫn còn 13 địa phương đang triển khai chi trả cho đối tượng ở mức dưới 10% số đối tượng được duyệt (hoặc chưa có số liệu báo cáo cụ thể).
Nhóm người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng, hộ kinh doanh cá thể thì triển khai chậm hơn, số người được thụ hưởng chưa nhiều. Tại TP.HCM, mới chỉ phê duyệt và chi trả cho trên 1.200 người lao động, lao động không có giao kết hợp đồng, hộ kinh doanh, với số tiền trên 1,4 tỉ đồng .
TP.HCM cũng là một trong 9 địa phương đã triển khai hỗ trợ người bán vé số, có 9 địa phương đã chi hỗ trợ người bán vé số. 9 tỉnh này đã chi cho trên 50.000 người với tổng kinh phí chi trả hơn 45 tỉ đồng.
Đặc biệt, có 6 địa phương (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng) mở rộng đối tượng hỗ trợ với thêm 17.800 người, kinh phí khoảng 19 tỉ đồng.
Về hỗ trợ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 1-4 đến hết 20-5, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 192.000 người, tương ứng với số tiền tính theo lũy kế chi trả gần 2.000 tỉ đồng
Báo cáo của Bộ Lao động -thương binh và xã hội cũng cho biết cơ quan này cũng như các địa phương đã phát hiện, xử lý một số vụ việc tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Cụ thể tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận.
Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo.
Tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho một số người…
Theo Bộ Lao động, đến nay vẫn có một số địa phương triển khai chậm, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chậm trễ trong chỉ đạo, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát, một phần do quá thận trọng, sợ sai sót dẫn đến việc chậm hỗ trợ đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận