Trưởng công an phường phải chịu trách nhiệm
Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, bị cáo Phạm Thanh Tuấn - nguyên trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa - là người đưa ra chủ trương thành lập hai tổ công tác, là người chỉ đạo bắt giữ các đối tượng mua ma túy nhưng không xử lý những người này theo quy định của pháp luật, mà yêu cầu đối tượng gọi người nhà đến chung chi tiền rồi cho về.
Nhận chung chi, cựu trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa bị đề nghị 7-8 năm tù
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Tuấn không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng từ trước đến nay, Ban chỉ huy Công an phường Phú Thọ Hòa không có chủ trương, cũng không thành lập tổ công tác chuyên bắt giữ các đối tượng liên quan đến ma túy trên địa bàn phường.
Bị cáo Tuấn chỉ nhận trách nhiệm chưa kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong ca trực thường xuyên, dẫn đến việc trực chỉ huy nhưng không biết, không kịp thời phát hiện sai phạm của cán bộ, chiến sĩ trong ca trực.
Tại phiên tòa, bị cáo Tuấn có thái độ thành khẩn hơn. Bị cáo thừa nhận cáo trạng truy tố đúng. Ngoài trách nhiệm quản lý, bị cáo cũng thừa nhận trách nhiệm liên quan, trách nhiệm cá nhân liên quan đến 10 đối tượng vi phạm trong ca do bị cáo trực chỉ huy.
Với vai trò là người chỉ huy cao nhất của lực lượng công an phường, phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo công an quận, Đảng ủy quận, chủ tịch UBND phường và đặc biệt là người chỉ huy 17 lượt trong thời gian có sai phạm xảy ra, trong đó trực tiếp 10 lượt có các đối tượng được thả về không bị xử lý.
Vì vậy, cáo trạng truy tố bị cáo Phạm Thanh Tuấn là đúng quy định của pháp luật.
Gần nghỉ hưu nên cả nể lãnh đạo
Đối với bị cáo Phan Văn Hòa, nguyên phó trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Hòa khai biết có hai tổ công tác như trên. Từ khi về nhận công tác tại Công an phường Phú Thọ Hòa, ông Hòa là người trực chỉ huy tổ công tác khi bắt giữ 10 đối tượng.
Trong phần trả lời hội đồng xét xử, ông Hòa thừa nhận là người trực chỉ huy trong các ca trực trên. Khi trực chỉ huy, bị cáo Hòa thấy có một số đối tượng liên quan đến ma túy bị bắt giữ, làm việc tại công an phường.
Ông Hòa có hỏi cán bộ trong ca trực thì có trường hợp trả lời đang lập hồ sơ, có trường hợp trả lời là đã báo cáo cho ông Phạm Thanh Tuấn. Tuy nhiên, ông Hòa không nhớ rõ là cán bộ nào.
Ông Hòa có trao đổi với ông Tuấn về việc này, được Tuấn trả lời là "chuyện tế nhị và đã được giải quyết".
Bị cáo Hòa nhận thấy cáo trạng truy tố bị cáo là đúng, không oan sai. Bị cáo thấy trưởng phường làm trái quy định của ngành, trái với chỉ đạo của cấp trên nhưng vì cả nể ông Tuấn, thiếu kiên quyết trong việc báo cáo lên cấp trên nên bỏ mặc cho sai phạm xảy ra tại Công an phường Phú Thọ Hòa.
Đối với bị cáo Lê Văn Quý, nguyên phó trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa, trong thời gian xảy ra các sai phạm, ông Quý trực chỉ huy 8 lượt, trong đó 6 lượt có hành vi sai phạm xảy ra.
Cũng như ông Hòa, khi trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Quý thừa nhận biết việc cán bộ công an phường tổ chức bắt giữ, ghi lời khai các đối tượng ma túy trong 8 ca trực mà bị cáo là chỉ huy việc tổ chức bắt giữ. Các cán bộ không báo cáo nội dung làm việc trong ca trực với Lê Văn Quý, mà báo cáo với ông Tuấn.
Do ông Quý gần đến tuổi nghỉ hưu nên cả nể, ngại va chạm, không dám phản ánh sự việc về Ban chỉ huy Công an quận Tân Phú, bị cáo nhận thấy cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị cáo là có căn cứ, đúng quy định.
Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau:
- Đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt Phạm Thanh Tuấn từ 7 đến 8 năm tù; phạt Phan Văn Hòa, Lê Văn Quý từ 5 đến 6 năm tù. Đồng thời phạt bổ sung 3 bị cáo này mỗi người 100 triệu đồng.
- Các bị cáo còn lại có mức đề nghị từ 3 năm 6 tháng tù đến 6 năm tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận