Chị em bà Tạ Thu Thủy (phải) tới góp tiền tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 4-5 - Ảnh: M.Hoa |
Nỗi đau của người dân nước bạn đã giục giã, thôi thúc những người Việt chung tay góp sức...
Cụ ông Nguyễn Văn Vọng (85 tuổi, nhà đường Lê Văn Phan, Q.Tân Phú) tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ lúc gần trưa 4-5. Bộ quần áo người già rộng rinh, phất phơ theo từng bước đi đều đặn và vững chãi của ông.
Ông kể ngày nào cũng đọc báo từ rất sớm, lúc đi tập thể dục về. Ông thương người già, trẻ con bên Nepal màn trời chiếu đất, không có đồ ăn nước uống.
Vậy là suốt bốn ngày qua ông âm thầm để dành tiền ăn được 100.000 đồng. Sáng sớm nay ông quyết định đi góp tiền.
Biết chuyện, người con trai út xin biếu ông thêm 300.000 đồng.
Chị hàng xóm thấy vậy cũng góp thêm 100.000 đồng.
Rồi hai người ở nhà đối diện mà ông Vọng không nhớ được tên, cả một anh thanh niên đang uống cà phê sáng nghe chuyện cũng góp vào.
Đi ba chặng xe buýt mới tới được báo Tuổi Trẻ, ông vẫn khẳng định bản thân không mệt mà chỉ thấy mừng vì mọi người trong xóm ai cũng có tấm lòng, biết thương người lâm cảnh khốn khó.
Ngày 4-5 là tròn một tuần kể từ khi một bạn đọc đầu tiên ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM tới báo Tuổi Trẻ gửi tiền giúp người dân Nepal. Ý tưởng mở màn ấy đã khơi gợi, động viên cho hàng trăm bạn đọc khác tới chia sẻ tấm lòng. Tính đến tối 4-5 bạn đọc của Tuổi Trẻ đã đóng góp trên 117 triệu đồng. Trong đó chỉ riêng ngày 4-5 đã có gần 60 bạn đọc đến báo Tuổi Trẻ đóng góp cho Nepal với số tiền trên 30 triệu đồng. |
Trong một con hẻm khác ở đường 53 (P.Tân Quy, Q.7), mọi người cũng nhờ bà Vĩnh Phước mang 500.000 đồng của bà con đến nhờ báo Tuổi Trẻ gửi sang Nepal.
Bà Phước đi chợ sớm, có nói ý định của vợ chồng mình là ủng hộ Nepal, vậy là nhiều người hưởng ứng, quyết định góp tiền.
“Nếu Nepal cần người giúp vợ chồng tui sẵn sàng đi. Nhưng biết giờ này sự giúp đỡ bằng tiền là hiệu quả nhất nên tui giúp vậy” - bà Phước bảo. Dường như nghĩa cử làm việc thiện cứ luôn lan truyền, tạo nối kết.
Rồi cô Ngọc Dung ở Q.Bình Thạnh vừa góp phần của mình và con gái, vừa góp giùm cho ba, bốn người bạn. Bà Đỗ Thị Liên ở Q.3 nhận sự “ủy thác” của hai cha con người bạn đang sống ở Paris là ông Bernard và anh Antoine Betti.
Anh Antoine học tiếng Việt, thường đọc báo Tuổi Trẻ nên biết có thể thông qua tờ báo để đóng góp. Bà Liên gấp lá thư cảm ơn của báo Tuổi Trẻ thật cẩn thận để gửi sang Paris, mong sẽ mang đến niềm vui nho nhỏ cho hai người bạn xa xôi giàu lòng nhân ái.
Từ TP Vinh (tỉnh Nghệ An), TP Nam Định, nhiều bạn đọc cũng nhờ người thân, bạn bè ở TP.HCM tới báo Tuổi Trẻ góp giùm một số tiền. Và những người tới báo cũng chẳng quản đường xa, nắng gắt hay tuổi tác đã cao.
Như hai chị em bà Tạ Thu Thủy (P.9, Q.Phú Nhuận) vừa tới nơi đã hỏi ngay tình hình Nepal có gì mới không, sốt ruột quá. Bà Thủy 77 tuổi, đi khám bệnh về thấy chị gái 82 tuổi của mình đang đi bộ, hỏi mới biết bà đến báo Tuổi Trẻ góp tiền. Bà Thủy kêu chị ngồi lên xe đạp điện của mình chở tới tòa soạn. Hai người cứ “tranh nhau” đóng nhiều hơn. “Chỉ mong bên ấy được bình an”, bà Thủy nói.
Những câu chuyện chân thành, những ánh mắt lo lắng, nỗi sốt ruột muốn sự đóng góp của mình mau tới được người cần...
Có người vừa tới nơi đã nói ngay: “Cho tôi gửi tiền cho đồng bào Nepal”. Có lẽ sự quan tâm và lo lắng đã khiến họ quên rằng người dân Nepal chẳng sinh ra từ một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ để gọi họ bằng hai tiếng “đồng bào”. Giờ phút ấy có lẽ họ chỉ biết tất cả đều là con người, đều chung dòng máu đỏ, đều biết đau đớn trước tang thương mất mát, đều cần đến những bàn tay chìa ra để mình khỏi thấy đơn độc giữa đời...
Cơn mưa chiều 4-5 không ngăn được bước chân của bạn đọc tiếp tục đến ủng hộ người dân Nepal...
Đến cuối giờ chiều đã có hơn 50 lượt bạn đọc đến, ai ai cũng gửi gắm, cũng đau đáu một nỗi xót xa, đồng cảm với người dân nơi xứ Phật và mong họ sớm vượt qua nỗi đau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận