Phiến quân Houthi vui mừng sau cái chết của ông Saleh - Ảnh: REUTERS
Ông Saleh bị nhóm Houthi sát hại sáng 4-12 sau khi tuyên bố "đổi phe" sang liên minh do Saudi Arabia hậu thuẫn, khiến giao tranh bùng nổ trên khắp Yemen và thủ đô Sanaa. Một thành viên cấp cao của Houthi cho biết cựu tổng thống Yemen cùng nhiều thành viên gia đình cũng như Yasser al-Awadhi, thành viên cấp cao trong đảng của ông Saleh, "đã bị giết" khi đang tìm cách chạy tới tỉnh Marib do quân chính phủ kiểm soát.
Thảm họa nhân đạo
Giao tranh ác liệt tại Sanaa, nơi liên minh của Houthi và phe cựu tổng thống Saleh kiểm soát, sau khi ông Saleh tuyên bố chấm dứt liên minh với Houthi ngày 3-12. Hãng tin Reuters mô tả đạn pháo cày xới khắp nơi, khi nhóm phiến quân tiến vào khu vực trung tâm truy lùng vị cựu tổng thống 75 tuổi cùng gia đình và giành quyền kiểm soát thủ đô.
Chính quyền Yemen cũng nhanh chóng vào cuộc khi Tổng thống Mansour Hadi chỉ thị cho các lực lượng an ninh tham gia giành lại Sanaa và vận động người dân nổi dậy chống phiến quân, trong khi liên minh Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành không kích nhằm vào các cứ điểm của phiến quân Houthi tại thủ đô. Ít nhất 234 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Sau khi ông Saleh thiệt mạng, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết bạo lực tại Sanaa đã tạm lắng, nhưng giao tranh lại bùng nổ ở nhiều nơi khác như Hajjah, đồng thời cảnh báo các bên về "tội ác chiến tranh" khi tấn công các bệnh viện, khu dân thường. LHQ cũng lập tức gửi các chuyên gia đến Yemen giám sát tình hình.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp ngày 4-12 mô tả Yemen là "thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới" hiện nay. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các bên tại Yemen ngồi lại vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, giới quan sát lo rằng tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn trong những ngày tới. "Tôi cho rằng diễn biến này sẽ tạo cơ hội để liên minh và chính quyền hợp pháp (của ông Hadi) đẩy mạnh chiến dịch quân sự chống Houthi trên nhiều mặt trận để tận dụng diễn biến mới này. Nhưng nó sẽ là mối nguy lớn cho người dân, đặc biệt là khi liên minh cố chiếm lấy Sanaa, nơi Houthi sẵn sàng tử thủ" - chuyên gia Hafez Albukari của Yemen nhận định.
Ông Ahmed Ali Saleh, con trai của ông Saleh, đã kêu gọi trả thù cho cha mình. Còn Liên đoàn Ả Rập cùng ngày cảnh báo nguy cơ "bùng nổ" an ninh tại Yemen và kêu gọi thế giới loại bỏ "tổ chức khủng bố Houthi".
"Cần làm mọi cách để loại bỏ cơn ác mộng này của người dân Yemen" - hãng tin Ả Rập Mena dẫn tuyên bố của cơ quan này.
Tương lai bất ổn
Cái chết của ông Saleh đến nay được đánh giá là bước chuyển bất lợi cho liên minh của Saudi Arabia - lực lượng can thiệp nhằm ủng hộ Tổng thống Hadi, sau ba năm bế tắc của cuộc nội chiến ở Yemen.
Trong tuyên bố sau khi ám sát ông Saleh, lãnh đạo Abdul-Malek al-Houthi của Houthi - nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn, khẳng định đây là thắng lợi trước liên minh và chúc mừng "ngày lịch sử, phi thường" của người dân Yemen.
Ông Saleh, cầm quyền Yemen hơn 30 năm, được xem là nhân vật chính góp phần đẩy Yemen vào cuộc nội chiến dai dẳng.
Sau khi bị hất cẳng năm 2012 sau phong trào Mùa xuân Ả Rập, bị ám sát hụt trong khi cấp phó Hadi được Saudi Arabia hậu thuẫn lên nắm quyền, cựu tổng thống Saleh thành lập liên minh với kẻ thù cũ, nhóm Houthi, chiếm Sanaa nhằm đẩy ông Hadi chạy sang Saudi Arabia.
Trong tuần qua, liên minh rạn nứt khi ông Saleh tăng cường lực lượng tại Sanaa và bắn tín hiệu ông đang đổi phe. Trong tuyên bố cuối cùng trước khi bị sát hại, ông cho biết muốn đàm phán "một trang mới" với Saudi Arabia cũng như các đồng minh, bao gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Không còn ông Saleh, Houthi sẽ càng mạnh hơn, ít nhất là trong ngắn hạn. "Bộ máy của ông Saleh sẽ suy tàn nhanh chóng, hoặc thậm chí bị loại bỏ trong thời gian tới. Điều này giúp Houthi trở thành thế lực chủ chốt ở phía bắc Yemen" - chuyên gia Adam Baron của Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế nhận định.
Trong khi đó, bước ngoặt mới đối với Yemen chỉ mở ra một tương lai bất ổn khác.
"Kể cả khi người ta muốn nhảy vào Yemen từ bên ngoài, biến động nội bộ sẽ luôn biến đổi theo cách không ai có thể ngờ tới" - ông Baron nói.
12.000 người thiệt mạng
Các vòng đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ giữa các bên tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt xung đột tại nước này. Chiến tranh và xung đột kéo dài tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận