30/03/2018 09:40 GMT+7

Cựu tổng thống Pháp phải ra trước vành móng ngựa

HOÀNG DUY LONG - TÚ ANH
HOÀNG DUY LONG - TÚ ANH

TTO - Ông Sarkozy đang bị điều tra về ba hồ sơ: Vụ Libya tài trợ cho chiến dịch tranh cử năm 2007, vụ đầu tư chiến dịch tranh cử năm 2012 trái pháp luật và vụ nghe lén điện thoại. Ông còn bị "sờ gáy" vì nhiều vụ khác.

Cựu tổng thống Pháp phải ra trước vành móng ngựa - Ảnh 1.

Cựu Nicolas Sarkozy (trái) và cựu tổng thống Francois Hollande dự buổi tang lễ đại tá Arnaud Beltrame ở Paris sáng 28-3 vừa qua - Ảnh: REUTERS

Quân pháp bất vị thân. Ngày 29-3 (giờ địa phương), Cơ quan công tố tài chính Pháp cho biết cựu tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ phải ra hầu tòa về các cáo buộc ông lạm dụng chức vụ để che đậy các chi tiết rò rỉ về một cuộc điều tra những bất thường trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007.

Luật sư của ông Sarkozy cho biết sẽ kháng cáo quyết định đưa thân chủ của mình ra tòa xét xử với cáo buộc trên.

Quyết định của tòa án được đưa ra sau khi các nhà điều tra sử dụng các đoạn ghi âm điện thoại để điều tra các cáo buộc riêng rẽ, theo đó cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, và bắt đầu nghi ngờ ông dính líu đến một vụ việc mờ ám khác thông qua một mạng lưới những người cung cấp tin tức.

Diễn biến này diễn ra chỉ một tuần sau khi ông Sarkozy chính thức bị coi là đối tượng đưa ra xét xử trong cuộc điều tra tranh cử trên.

Các thẩm phán đã cấm nhà cựu lãnh đạo này đến một số nước, trong đó có Libya, cũng như cấm tiếp xúc với 9 nhân vật có liên quan đến cuộc điều tra, trong đó có hai trợ lý thân cận của ông và các cựu bộ trưởng Claude Gueant và Brice Hortefeux.

Kể từ năm 2013, các nhà điều tra đã xem xét các cáo buộc ông Sarkozy đã nhận tiền tài trợ từ chính quyền Gaddafi trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2007 với số tiền được cho là lên đến hàng chục triệu euro.

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, cựu tổng thống Sarkozy tuyên bố sẽ nỗ lực đến cùng để chứng minh mình vô tội, nhưng cũng thừa nhận sự nghiệp chính trị của ông "đã chấm dứt".

Đây là các cáo buộc nghiêm trọng nhất trong nhiều cuộc điều tra nhằm vào ông kể từ khi ông rời nhiệm sở năm 2012. Ông từng phải ra hầu tòa vì các cáo buộc nhận tài trợ trái phép trong quá trình tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 2012.

Cựu tổng thống Pháp phải ra trước vành móng ngựa - Ảnh 2.

Tối 21-3, ông Sarkozy (giữa) rời khỏi Nanterre sau 27 giờ bị tạm giữ để về nhà ở quận 16 (thủ đô Paris) - Ảnh: REUTERS

Các hồ sơ điều tra liên quan đến cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (63 tuổi) được chia làm ba nhóm: Các hồ sơ đang điều tra, các hồ sơ có liên quan và các hồ sơ đã miễn trừ hoặc miễn tố.

Ba hồ sơ đang điều tra

* Vụ Libya tài trợ: Hồ sơ điều tra gần đây nhất là nghi vấn Libya thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã chi tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sarkozy năm 2007.

Tối 21-3 (giờ địa phương), ông Sarkozy đã bị đưa vào diện đối tượng điều tra về các tội danh: Nhận hối lộ, đầu tư chiến dịch tranh cử trái pháp luật và tàng trữ tiền công quỹ của Libya.

* Vụ Bygmalion: Ông Sarkozy bị điều tra từ tháng 2-2016 về vụ này.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2012 với tư cách ứng cử viên đảng Liên minh Vì phong trào nhân dân (UMP, sau đổi tên thành đảng Những người Cộng hòa), Công ty truyền thông Bygmalion phụ trách tổ chức mít tinh tranh cử.

Tuy nhiên, Bygmalion lại là công ty của người thân ông Jean-François Copé, tổng thư ký UMP.

Tháng 2-2014, báo Le Point tiết lộ Bygmalion đã nhận 8 triệu euro với các hóa đơn chi đều cao hơn thị trường. Báo Libération tiết lộ UMP đã chi khống 18 triệu euro cho Bygmalion để tổ chức các sự kiện tranh cử không hề có.

Kết quả điều tra cho thấy theo quy định, các khoản chi tranh cử không được vượt quá 22,5 triệu euro. Do chiến dịch của ông Sarkozy chi đến 42,8 triệu euro nên ê kíp tranh cử đề nghị Công ty Bygmalion kê khống hóa đơn.

Ông Sarkozy và 33 người liên quan đã bị điều tra. Tháng 2-2017, thẩm phán chuyển vụ án qua tòa án với tội danh đầu tư chiến dịch tranh cử trái pháp luật.

Cựu tổng thống Pháp phải ra trước vành móng ngựa - Ảnh 3.

Tổng thư ký UMP Jean-François Copé và ứng cử viên Sarkozy (phải) trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012 - Ảnh: AFP

* Vụ nghe lén điện thoại: Trong vụ này, ông Sarkozy bị điều tra từ tháng 7-2014.

Hồi tháng 4-2013, cơ quan điều tra mở hồ sơ về nghi vấn Libya tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, sau đó nghe lén điện thoại của ông Sarkozy và các cộng sự.

Nhờ vậy, họ mới biết ông Sarkozy dùng tên giả Paul Bismuth bàn bạc với luật sư Thierry Herzog lấy thông tin mật từ thẩm phán Gilbert Azibert ở tòa phá án về vụ bà tỉ phú Liliane Bettencourt tài trợ trái phép cho chiến dịch tranh cử của Sarkozy. Bù lại ông Sarkozy hứa sẽ can thiệp để thẩm phán này có chức vụ ngon ăn hơn ở Monaco.

Luật sư Thierry Herzog và thẩm phán Gilbert Azibert đều bị điều tra. Riêng Sarkozy bị tạm giữ vào tháng 7-2015, rồi bị điều tra về các tội tham nhũng, hối mại quyền thế và bao che cho xâm phạm bí mật nghề nghiệp.

Tháng 10-2017, cơ quan công tố tài chính quốc gia đã yêu cầu chuyển hồ sơ sang tòa án xét xử.

Cựu tổng thống Pháp phải ra trước vành móng ngựa - Ảnh 4.

Bà tỉ phú Liliane Bettencourt bị chứng mất trí nên ông Sarkozy bị điều tra về tội lạm dụng người yếu thế để lấy tiền tranh cử - Ảnh: SIPA

Các hồ sơ có liên can

. Vụ Karachi: Ngày 8-5-2002 tại Karachi ( Pakistan), một tên khủng bố lao xe chở chất nổ vào xe buýt quân đội chở 23 công nhân Pháp đến công xưởng. Trong 14 người chết có 11 công nhân Pháp thiệt mạng.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện chính phủ của Thủ tướng Edouard Balladur (lúc đó Sarkozy giữ chức bộ trưởng Ngân sách) đã chi huê hồng khủng trong hai hợp đồng bán tàu ngầm cho Pakistan và tàu khu trục cho Saudi Arabia ký năm 1994.

Một phần tiền được các tay môi giới chuyển thành tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Balladur vào năm 1995 mà ông Sarkozy là người phát ngôn.

Cuối tháng 5-2017, Cựu Thủ tướng Edouard Balladur đã bị điều tra về tội đồng phạm và lạm dụng trái phép tài sản xã hội, còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng François Léotard bị điều tra về tội đồng lõa lạm dụng tài sản xã hội.

Sarkozy bị thẩm vấn với vai trò nhân chứng phụ trợ (vai trò giữa nhân chứng thông thường và đối tượng điều tra).

Cựu tổng thống Pháp phải ra trước vành móng ngựa - Ảnh 5.

Vụ đánh bom tại Karachi ngày 8-5-2002. Từ vụ này mới lộ ra vụ chi huê hồng khủng - Ảnh: AFP

. Vụ bán trực thăng cho Kazakhastan: Kazakhstan ký với hãng Eurocopter của Pháp hợp đồng mua 45 máy bay trực thăng trị giá 2 tỉ euro. Cơ quan tư pháp nghi ngờ trong vụ này hợp đồng bị "thổi giá" để tăng thêm tiền huê hồng trích cho người trung gian và một phần huê hồng sẽ được bí mật "lại quả" cho người bán. Sarkozy với vai trò tổng thống có tham gia đàm phán phi vụ này.

Các hồ sơ được miễn tố, miễn trừ

Nổi cộm là vụ thăm dò của điện Élysée. Các thẩm phán đã kết thúc điều tra vụ này vào tháng 5-2017.

Patrick Buisson lúc làm cố vấn cho Tổng thống Sarkozy đã lợi dụng chức vụ để thu lợi qua các hợp đồng giữa Công ty Publifact do ông làm chủ với văn phòng tổng thống nhằm mua kết quả thăm dò từ Publifact.

Patrick Buisson bị điều tra cùng sáu cộng sự của Sarkozy. Sarkozy được hưởng quyền miễn trừ.

Ông Sarkozy đã được miễn tố trong nhiều hồ sơ khác như vụ năm 2012-2013 đã thanh toán tiền sử dụng máy bay riêng của Công ty Lov Group của người bạn Stéphane Courbit và vụ bà tỉ phú Liliane Bettencourt.

Trong vụ bà Bettencourt, bà Claire Thibout là nhân viên kế toán cũ của tỉ phú Bettencourt khẳng định người thân của bà Bettencourt đã đưa 150.000 euro cho ông Eric Woerth (thủ quỹ đảng UMP) để ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007 của ông Sarkozy.

Khoản tiền này không hợp pháp vì bà tỉ phú Bettencourt mắc chứng mất trí. Trong vụ này, Sarkozy bị điều tra về tội lạm dụng người yếu thế.

HOÀNG DUY LONG - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp